Hỗ trợ từng bước nhỏ, còn được gọi là “hỗ trợ chia nhỏ” (scaffolding) là một phương pháp giảng dạy và hướng dẫn trong quá trình giáo dục. Ý tưởng chính là cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn từng bước cho người học khi họ đối diện với một nhiệm vụ khó khăn hoặc một kỹ năng mới. Khi người học nắm vững bước đầu tiên, sự hỗ trợ sẽ dần được giảm dần cho đến khi họ có thể thực hiện một cách độc lập.
Học kỹ năng mới hỗ trợ từng bước nhỏ
Thang thứ bậc hỗ trợ (Prompting Hierachy) là kỹ thuật được các nhà Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) áp dụng, giúp trẻ học những kỹ năng mới và làm chủ kỹ năng. Mỗi nấc thang tương ứng với một loại hỗ trợ – hỗ trợ từng bước nhỏ. Giáo viên có thể đánh giá để xác định trẻ của mình đang ở mức nào và đưa ra loại hỗ trợ phù hợp.
Với chiều mũi tên hướng từ trên xuống:
Trẻ sẽ cần hỗ trợ từ ít nhất tới nhiều nhất.
- Khi giáo viên đưa ra một yêu cầu hoặc trẻ nhìn thấy một gợi ý có trong tự nhiên và trẻ có thể thực hiện được có nghĩa là trẻ hiểu và độc lập thực hiện kỹ năng đó
- Nếu với yêu cầu lần đầu tiên, trẻ khó khăn để thực hiện thì giáo viên cần hạ thấp một bậc, sử dụng cử chỉ (chỉ trỏ, liếc nhìn, chờ đợi…) để hỗ trợ trẻ thực hiện.
- Thông thường, với các trẻ có rối loạn tự kỷ, việc xử lý các thông tin bằng cử chỉ có thể khó khăn do trẻ ít chú ý tới người đối thoại. Giáo viên cần hạ thấp xuống một bậc, hỗ trợ bằng lời, nghĩa là lặp lại yêu cầu bằng lời thêm lần nữa
- Khi hỗ trợ bằng lời và cử chỉ chưa giúp được trẻ, việc sử dụng hình ảnh minh hoạ là cần thiết
- Một số trẻ sẽ cần được làm mẫu hành động để trẻ có thể bắt chước lại
- Trong một số tình huống, trẻ có khả năng thực hiện yêu cầu nhưng do có sự cản trở của hành vi (chống đối, ăn vạ, gây chú ý…) hoặc khó khăn về mặt thể chất (yếu cơ, khó khăn phối hợp vận động…), trẻ sẽ cần sự hỗ trợ thể chất một phần (chạm nhẹ vào tay, chạm nhẹ sau lưng…).
- Khi giáo viên đã thử các mức hỗ trợ ở bậc cao và đánh giá thấy trẻ hoàn toàn chưa có khả năng thực hiện kỹ năng mới, thì việc “tay cầm tay”, hỗ trợ thể chất toàn phần là điều cần làm.
Với chiều mũi tên hướng từ dưới lên:
Mức độ hỗ trợ sẽ đi ngược lại, nghĩa là trẻ đang dần làm chủ kỹ năng và cần ít hơn các loại hỗ trợ. Sự rút ra (Fading) là cần thiết trong lúc này. Nếu trẻ của bạn có thể thực hiện kỹ năng đi bỏ rác với sự hỗ trợ bằng cách làm mẫu thì bạn nên nghĩ ngay tới việc dùng hình ảnh gợi ý, nhắc bằng lời và sử dụng thêm cử chỉ để rút dần sự hỗ trợ của mình, cho trẻ cơ hội độc lập trong việc thực hiện kỹ năng. Vì mục tiêu cuối cùng khi can thiệp là giúp trẻ độc lập trong cuộc sống.
Hãy yêu thương trẻ đúng cách. Hãy cho trẻ cơ hội học hỏi, làm việc và phát triển.
Người viết: Trần Vũ Tuyết Anh – Cử nhân Tâm lý