Top 3 kiểu trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ tốt nhất

Trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ giúp trẻ em mở rộng từ vụng và sử dụng ngôn ngữ. Chúng tạo môi trường trẻ em rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ là gì?

Trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ em là những hoạt động giáo dục được thiết kế nhằm giúp trẻ em phát triển và nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ em học từ vựng mới mà còn khuyến khích khả năng ngôn ngữ tổng quát của trẻ, bao gồm nghe, nói, đọc và viết.
Các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ em thường được thiết kế sao cho vui nhộn, gắn kết và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ mà còn khuyến khích sự sáng tạo, tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và gắn kết xã hội. Chúng tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Các loại trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ

Dưới đây là một số ví dụ về trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ

  • Trò chơi từ vựng: Giới thiệu từ mới thông qua hình ảnh, hành động hoặc đối thoại. Trẻ em có thể học và nhớ từ vựng một cách dễ dàng khi được tham gia vào trò chơi.
  • Trò chơi lắng nghe: Trò chơi này tập trung vào việc lắng nghe và hiểu. Người hướng dẫn có thể đọc câu chuyện hoặc câu hỏi, sau đó yêu cầu trẻ trả lời theo cách nào đó.
  • Trò chơi câu chuyện: Trẻ em có thể tham gia vào việc sáng tạo câu chuyện bằng cách đóng vai nhân vật hoặc kể chuyện từ trí tưởng tượng của mình. Điều này giúp cải thiện khả năng sáng tạo và kỹ năng diễn đạt của trẻ.
  • Trò chơi đánh vần và xây dựng từ: Trẻ em có thể học cách đánh vần và tạo các từ bằng cách sắp xếp các chữ cái hoặc từ vựng đã học trước đó.
  • Trò chơi cùng hợp tác: Trẻ em có thể học cách giao tiếp và làm việc cùng nhau để giải quyết các câu đố hoặc vấn đề sử dụng ngôn ngữ.
  • Trò chơi học ngữ pháp: Đối với trẻ lớn hơn, có thể sử dụng các trò chơi giúp họ hiểu và áp dụng các quy tắc ngữ pháp một cách thú vị.
  • Trò chơi thu thập thông tin: Trẻ em có thể được yêu cầu hỏi và trả lời câu hỏi để thu thập thông tin và trình bày kết quả.

Mời ba mẹ tham khảo thêm: cách dạy bé tập nói từ nhà chuyên môn ngôn ngữ trị liệu

Top 3 kiểu trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ tốt nhất

Theo nghiên cứu của nhà tâm lí học Piaget, chúng ta sẽ có 3 kiểu trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ như sau: Chơi chức năng, chơi xây dựng, chơi tưởng tượng và chơi theo luật. Trong đó, việc chơi tưởng “tưởng tượng” có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tối ưu nhất. 

Các kiểu chơi này đươc phát triển theo thứ tự từ chơi chức năng tới chơi theo luật nhưng điều này không có nghĩa là trẻ hoàn thành kiểu chơi này rồi chuyển qua kiểu chơi khác mà các kiểu chơi có sự phát triển xen kẽ với nhau.

Vì có liên quan tới phát triển ngôn ngữ và là kiểu chơi rất quan trọng nên việc phát triển kỹ năng chơi này cũng được nhiều chuyên gia rất quan tâm. Tuy nhiên, để trẻ có thể chơi tưởng tượng một cách hiệu quả thì trước hết chúng ta phải cung cấp được biểu tượng về các đồ vật, đồ dùng hoặc đồ chơi theo từng độ tuổi nhất định hoặc dựa trên khả năng hiện tại của trẻ.

1. Chơi chức năng:

Là loại hoạt động vui chơi đầu tiên mà trẻ em tham gia. Chơi chức năng bao gồm các hành động khám phá và thao tác bởi tay, chân, cơ thể với đồ vật lặp đi lặp lại. Bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh, trẻ em đã học cách kiểm soát cơ thể và đồ chơi của mình. Trẻ sơ sinh chơi qua các hành động lặp đi lặp lại, như lắc lư, đập nước bắn tung tóe trong chậu tắm hay làm rơi đồ chơi khỏi ghế. Những hành động cơ bản này sẽ trở thành trò chơi khi đứa trẻ tham gia vào hoạt động vì niềm vui (Frost, 1992). Cuối cùng, khi nhận thức của trẻ phát triển tốt hơn, các hành động đơn giản, lặp đi lặp lại được thay thế bằng các hành động phối hợp, phức tạp hơn. 

Chơi chức năng được trẻ em yêu thích và thực hiện trong suốt thời thơ ấu, nhất là khi trẻ khám phá và thực hành các kỹ năng vận động mới, chẳng hạn như trượt, leo núi, xếp chồng, nhảy nhót…

trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Làm gì để giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi chức năng?

Chúng ta sẽ chơi lặp đi lặp lại các đồ dùng, đồ vật hoặc đồ chơi theo cách đồ vật đó vẫn thường được sử dụng hàng ngày. Ví dụ: 

  • Khi chơi xe hơi, cách chơi đơn giản nhất là việc cho xe di chuyển, dùng tay đẩy tới đẩy lui, đẩy ra xa, hai người đẩy qua đẩy lại cho xe chạy và phải lặp đi lặp lại nhiều lần liên tục để cho trẻ biết chơi chức năng đơn giản của xe trước. Trong lúc chơi, phải cung cấp từ thường xuyên và cũng phải lặp đi lặp lại như: “Xe hơi, mình đẩy xe, đẩy xe”; “Woa, đúng rồi, đẩy…đẩy xe hơi”; “Xe hơi chạy… chạy chạy chạy…tới rồi!”
  • Cung cấp chức năng của đồ chơi như cầm ly đồ chơi và giả bộ uống nước, cầm điện thoại và giả bộ nghe điện thoại, đặt ống nghe lên ngực để nghe nhịp tim.
  • Thực hiện:  Đeo và đặt ống nghe lên phổi kèm âm thanh “Bụp bụp” hoặc “Thình thịch…thình thịch”, thao tác lặp đi lặp lại với trẻ hoặc với người khác để làm mẫu. Sau đó cho trẻ thực hiện.

Bình luận kèm theo “Bác sĩ khám tim cho Bin nha! Ôi…tim đập nhanh quá! Thình thịch…thình thịch…thình thịch…”

  • Thực hiện tương tự với một số đồ dùng/hành động khác trong các bộ đồ chơi nấu ăn, bác sĩ: Chén/ bát, muỗng, bếp, dao, trái cây, bình tưới cây, nhiệt kế, ống tiêm, gương khám rang…

2. Chơi xây dựng:

Bước vào gia đoạn 2 tuổi, trẻ tiến bộ từ trò chơi chức năng đơn giản, lặp đi lặp lại sang các hoạt động sáng tạo, hướng tới mục tiêu. Khi trẻ em thao tác các đồ vật để tạo ra một thứ gì đó mới nghĩa là trẻ đang thực hiện trò chơi mang tính xây dựng. Trẻ sử dụng các đồ vật như khối gỗ, đất sét và đồ dùng thủ công một cách có tổ chức để đạt được mục tiêu. Đây là giai đoạn chơi để trẻ có thể chuyển tiếp từ chơi chức năng thành chơi tưởng tượng.

Chơi mang tính xây dựng là một hình thức hỏi đáp thực hành trong đó trẻ em thu thập kiến ​​thức bằng cách đặt câu hỏi, thử nghiệm ý tưởng và thu thập thông tin (Drew và cộng sự, 2008) thông qua thử nghiệm với các vật liệu cơ bản để tạo ra thứ gì đó phức tạp hơn. 

Chơi xây dựng giúp trẻ phát triển việc lập kế hoạch, tìm tòi và khám phá. Kiểu trò chơi này chuẩn bị cho trẻ em những thành công trong học tập, xã hội và tình cảm sau này (Leong & Bodrova, 2015) và tư duy linh hoạt (Bruner 1972). Trẻ nhỏ có xu hướng thích chơi các trò chơi xây dựng. Khi được lựa chọn các hoạt động vui chơi, trẻ mầm non chọn chơi mang tính xây dựng hơn 50% thời gian (Rubin, Fein, & Vandenberg 1983).

trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ
trò chơi phát triển ngôn ngữ – chơi xây dựng

Làm gì để giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi xây dựng?

Cha mẹ hãy sáng tạo trò chơi hơn để bé giải quyết vấn đề, tập cho trẻ xếp hình/khối, tạo hình bằng đất nặn, cắt giấy, vẽ tranh…theo mẫu hoặc tự do tùy vào khả năng của trẻ.

Ví dụ: 

  • Khi trẻ quen với việc chơi chức năng của xe hơi, chúng ta sẽ tạo hình huống mới như xây cầu cho xe chạy qua, làm dốc cho xe lên xuống, cho đồ vật chặn đường của xe, hướng dẫn trẻ vòng qua đi hướng khác. (“Ối, đường bị chặn mất rồi…không đi được, mình vòng qua đi lối khác, qua được rồi”). 
  • Cùng trẻ xếp chồng các khối tạo thành ngôi nhà lớn, dùng nhiều vật liệu để chồng như: khối gỗ, lon, gạch, khối hình học, …cung cấp biểu tượng ngôi nhà cho trẻ và tên các loại vật liệu. 

3. Chơi tưởng tượng:

Chơi tưởng tượng là khả năng trẻ sử dụng các đồ vật, hành động, cơ thể, ý tưởng hay lời nói để đại diện cho các đồ vật, hành động hoặc ý tưởng khác trong trò chơi. Những hoạt động này có thể bao gồm sắm vai hoặc chơi giả tưởng. Chẳng hạn như giả làm một chú thỏ, lính cứu hỏa hoặc quái vật và các hành động giả tạo. Ví dụ như lái xe ô tô bằng cách di chuyển vô lăng giả hoặc sử dụng bàn tay làm điện thoại. 

Chơi tưởng tượng được nhiều nhà chuyên môn coi là hoạt động vui chơi phức tạp nhất trong sáu năm đầu đời của trẻ. Chơi tưởng tượng giúp phát triển kỹ năng xã hội, khả năng học tập, các khái niệm đọc viết sớm và khả năng điều chỉnh hành vi của trẻ (Leong & Bodrova 2015).

trò chơi phát triển ngôn ngữ
trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Khoảng 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu tham gia vào trò chơi giả vờ và loại trò chơi giả bộ.

Sau khi chơi chức năng chức năng đơn giản của từng đồ dùng ở mục 1. Tiếp tục sử dụng các món đồ chơi đó để chơi giả bộ, tạo tình huống để chơi theo chuỗi hoạt động liên tục. 

Trẻ có thể chơi 1 mình hoặc phối hợp với người khác.

Khoảng 70% trẻ 4-5 tuổi chơi kiểu trò chơi này (3)

Ví dụ về chơi tưởng tượng: 

  • Bé biết chơi chức năng của xe (đẩy cho xe chạy), nhận biết con Bò rồi.  Bố mẹ sẽ tạo tình huống: “Xe chạy…chạy chạy…ố có bạn Bò ở đây, mình cho xe chở bạn Bò đi chơi nha! Chở Bò đi chơi thôi…Chở Bò đi chơi… Đi chơi… (Bố mẹ cho xe chở bò đi 1-2 vòng.) Tới nơi rồi! Cho bạn bò xuống xe”
  • Bé biết con Thỏ và củ cà rốt. “Bố có em Thỏ, em Thỏ đói quá…đói quá…Ô có củ Cà Rốt kìa Bin ơi (chỉ tay về phía củ Cà Rốt). Mình cho Thỏ ăn Cà Rốt nha…(Bố và Bin cầm con Thỏ làm động tác nhảy tới củ Cà Rốt)… à Nhảy nhảy nhảy, tới rồi ăn Cà Rốt thôi…măm măm măm… Cà Rốt ngon quá, no bụng rồi, Thỏ buồn ngủ quá mình cho Thỏ đi ngủ thôi. à Cho gà gáy và cho Thỏ thức dậy. Như vậy đã hát 1 bài hát để cho trẻ vui hơn bằng cách vỗ tay cùng bố mẹ.
  • Phân chia vai để chơi phối hợp: Bin làm bác sĩ, Bố làm bệnh nhân. 

Tình trạng: Bé hiện đã có cụm 3-4 từ và bắt chước khá. Bố sẽ làm mẫu ngôn ngữ (làm mẫu câu thoại) cho bé lặp lại. Tạo tình huống: Bố giả bộ ho, làm động tác mệt khó thở.

Đoạn giao tiếp qua lại trong chơi tưởng tượng

Bố: Bác sĩ ơi! Khụ..Khụ…tôi khó thở quá bác sĩ ơi!

Bin: Bin sẽ lấy ống nghe đo cho Bố.

Bố: chặn lại 1 xíu và hỏi: “Bác sĩ làm gì vậy… “Bác Đo nhịp tim/để bác nghe nhịp tim”

Bố giả bộ đưa tay lên trán, hốt hoảng nói: “Ối! Bác sĩ ơi, Nóng quá, đầu tôi nóng quá!”

Bin sẽ lấy nhiệt kế đo cho bố. Bố cung cấp lời “Bin phải nói là: Để bác đo nhiệt độ xem”. 

Bố: Sao rồi bác sĩ ơi, bao nhiêu độ vậy?

Bin: “38 độ lận, Ôi, sốt cao quá, phải chích thuốc”

Bố: Khi bác sĩ cầm ống tiêm, bố khoan hãy vén tay áo lên, giả bộ không hiểu. Vì ở mục chơi chức năng khi tiêm lúc nào cũng vén lên nhưng hôm nay lại không vén. Sau đó bố sẽ nói: “Bác sĩ tiêm đi, sao bác sĩ không tiêm vậy? À! Tôi quên chưa vén tay áo, lần sau bác sĩ nhớ nhắc tôi vén tay áo lên nhá!”

Kết hợp các trò chơi với nhau để tạo hành động giả bộ: Cho em bé đi tắm, tổ chức sinh nhật cho búp bê, kết hợp với các trò chơi xây dựng/lắp ráp: xây cầu cho xe chạy qua, xây nhà để xe, lắp ghép giường để ngủ…

Trò chơi tưởng tượng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ

Chơi giả bộ sẽ giúp trẻ có cơ hội để phát triển ngôn ngữ rất hiệu quả. Chuỗi hành động giả bộ được diễn ra liên tục sẽ có ngôn ngữ song song với các cuộc hội thoại trong hành động đó. Để thực hành tốt các trò chơi, chúng ta cần nắm vững cách để cung cấp biểu tượng, chức năng đơn giản ban đầu cho trẻ. Khi trẻ hiểu và biết chơi đơn giản chúng ta sẽ xâu chuỗi lại thành hành động chơi hoàn chỉnh. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết được khả năng hiện tại của trẻ để làm mẫu lời nói (câu dài- ngắn) cho phù hợp. 

Ba mẹ hãy thường xuyên truy cập website trungtamnhanhoa.vn và cập nhật những thông tin hữu ích để phát triển ngôn ngữ cho bé nhé. Trung tâm Nhân Hòa thực hiện khám kỹ lưỡng và dạy trẻ chậm nói hiệu quả tại TpHCM. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn giúp bé học nói tốt nhất

Tài liệu tham khảo

A presentation for Pham Ngoc Thach Medical University| Trinh Foundation Australia

Người viết: Nguyễn Thị Kim Ánh

Giáo viên Mầm Non – Chuyên viên Âm ngữ trị liệu

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN