Can thiệp cho trẻ tại nhà – Mô hình huấn luyện online và đồ chơi tự làm – Sự sáng tạo vô hạn

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và có xu hướng lan rộng qua các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều chiến lược dập dịch được đưa ra và TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Điều này khiến việc hoạt động can thiệp hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trí tuệ gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở, trung tâm phải ngừng hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu can thiệp hỗ trợ trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Nhân Hoà đã triển khai mô hình Huấn luyện phụ huynh Online, can thiệp cho trẻ tại nhà.

Trong mô hình này, phụ huynh sẽ được cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng can thiệp thông qua chơi đùa với hình thức chuyên viên can thiệp kèm 1:1 cho phụ huynh và trẻ. Phụ huynh sẽ là người chơi, dạy chính với trẻ và chuyên viên can thiệp sẽ giám sát hỗ trợ trực tiếp thông qua các phần mềm video call. Phụ huynh sẽ được hướng dẫn và chỉnh sửa trực tiếp những kỹ năng can thiệp thông qua chơi đùa. Hiện tại, mô hình đã được áp dụng cho nhiều gia đình trẻ học tại trung tâm và nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh. Ba mẹ sẽ có thêm kiến thức chuyên môn để can thiệp và đồng hành cùng sự tiến bộ của các con trong và ngay cả sau mùa dịch.

Dưới đây là những chia sẻ thật tâm và những trò chơi vui nhộn – hữu ích cho sự phát triển của trẻ từ các bậc phụ huynh tham gia chương trình học:

Mẹ bé M.K chia sẻ: Ban đầu, mẹ rất lúng túng và không biết phải chơi với con như thế nào, mẹ sợ mẹ không làm được. Nhưng sau 2 tuần thực hiện, mẹ đã tự tin hơn và chơi tự nhiên với con hơn. Mẹ còn tập luyện chơi với con mà không có cô hỗ trợ và quay clip lại để cô nhận xét, cho ý kiến để mẹ có thể làm tốt hơn trong những lần sau.

Mẹ bé T. thì nhận xét: Nhìn các thầy cô chơi với con cứ nghĩ đơn giản, nhưng khi ngồi chơi với con trong 45p mới thấy các thầy cô phải kiên nhẫn với các con như thế nào. Mẹ ngồi chơi mà không biết phải làm sao để con thấy hứng thú và tập trung vào mẹ. Nhưng khi được cô giám sát, nhắc nhở kịp thời những lỗi để mẹ sửa trực tiếp thì mẹ an tâm hơn. Mẹ thấy bạn giờ vận động tinh tốt hơn, tô màu ít lem hẳn, nói được câu dài khi có nhu cầu và quan tâm đến mẹ nhiều hơn.

Mẹ bé B. thì cho rằng: Lúc đầu mẹ không biết phải làm gì cả, phải hỏi các cô đang xem cho ý kiến từng bước khi chơi, đôi lúc mẹ không biết tiếp theo phải làm như thế nào nên hỏi các cô liên tục. Khi họp cuối giờ, mẹ được các cô chỉ ra những điều mẹ đã làm được cho con mà chính mẹ cũng không nhận ra. Gần 3 tuần can thiệp, giờ mẹ có thể nhận ra được những tiến bộ dù rất nhỏ của con và hiểu thêm về những hành vi ăn vạ của con.

Các chuyên viên can thiệp đang thực hiện giám sát nhận định, đây là mô hình can thiệt phù hợp với gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Thực hiện mô hình này giúp việc can thiệp hỗ trợ cho trẻ được duy trì, không bị gián đoạn; những kỹ năng trẻ học được trước đó không bị quên đi và có cơ hội được học thêm những kỹ năng mới phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Bên cạnh đó, chuyên viên can thiệp còn hỗ trợ gia đình trong việc đưa những ý tưởng về những học cụ có thể tự làm tại nhà và phù hợp với trẻ. Các phụ huynh đã rất hăng hái sáng tạo ra những dụng cụ từ những vật dụng trong nhà để giúp trẻ cải thiện các kỹ năng của mình như: cho trẻ tập cắt trái cây bằng dao gọt, vắt nước cam/chanh, trò chơi với những chai nhựa tái chế, mô hình vận động bằng bìa các tông…

Sau đây mời các bạn xem những ý tưởng và sản phẩm từ phụ huynh của Trung tâm Nhân Hoà nhé!

Trò chơi giặt đồ với mô hình bằng bìa các tông giúp bé tập vận động tinh và mô phỏng hoạt động hằng ngày
Một phụ huynh khác đã sử dụng chính quần áo của bé để thực hiện trò chơi giặt đồ
Một hoạt động với kẹp áo và bảng màu, giúp trẻ tăng vận động tinh,
Bé vắt nước cam, hoạt động giúp trẻ phối hợp 2 tay khi làm việc
Chiếc tủ lạnh bằng hộp giấy làm trò chơi nấu ăn trở nên thật hơn giúp bé dễ tưởng tượng và hứng thú hơn khi chơi
Trò chơi Thú ăn gì với sự kết hợp của đồ chơi và rau củ thật giúp bé dễ nhận biết trong tình huống thực tế
Bé giúp mẹ cắt bí – một hoạt động tăng vận động tinh và phối hợp 2 tay
Trò chơi Bắt bóng bằng thùng và ly giấy giúp bé tập khả năng phản xạ và duy trì chú ý vào hoạt động
Trò chơi Gắp đồ theo hình bằng pompom kết hợp với đồ chơi ghép hình giúp bé tập vận động tinh và xử lý hình ảnh
Một cách chơi khác của trò Gắp đồ bằng cách sử dụng khuôn đá như khay đựng đồ. Điều này cũng giúp bé sử dụng đồ dùng trong nhà một cách linh hoạt và sáng tạo
Trò chơi Nhện bắt mồi với mạng nhện làm bằng dây giày giúp em làm quen với việc sử dụng đũa
Hình mê cung mẹ vẽ lại trên Internet khi nhà không có máy in
Trò chơi Nhện tha trứng với mạng nhện bằng băng keo sẽ tập bé phối hợp 2 tay khi làm việc
Trò chơi câu cá làm bằng hộp bánh giúp bé phối hợp tay-mắt và duy trì chú ý
Trò chơi Ghép hình với bìa các tông và bút màu làm “gạch”, bé sẽ hứng thú hơn bởi bút màu không chỉ được dùng để vẽ mà còn có thể trở thành những “viên gạch” đầy màu sắc

Thật thú vị khi thiết kế và chơi các trò chơi cùng các con, cha mẹ cũng có nhiều kiến thức hơn trong can thiệp và đồng hành cùng sự tiến bộ của các con trong và sau mùa dịch. Cha mẹ hãy liên hệ ngay với Trung tâm Nhân Hòa để được tư vấn và hỗ trợ thêm nhé!

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN