Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ theo mức độ và độ tuổi

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ giúp phụ huynh hỗ trợ tốt cho con. Các dấu hiệu trẻ phát triển chậm toàn bộ về trí tuệ hơn so với trẻ cùng tuổi, thời gian biết lẫy, ngồi dậy, bò hoặc đi chậm hơn bình thường, gặp khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập với người khác rất đáng lưu ý. Từng mức độ chậm phát triển sẽ có các dấu hiệu khác nhau, hãy cùng tìm hiểu.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?

Trẻ chậm phát triển trí tuệ hay còn gọi là thiểu năng trí tuệ là thuật ngữ được sử dụng khi trẻ có trí thông minh hoặc khả năng trí tuệ dưới mức trung bình. Chỉ số thông minh IQ của trẻ dưới 70. Trẻ thường chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Trẻ chậm phát triển trí tuệ có mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau ở mỗi trẻ. Do đó khả năng học những kỹ năng mới cũng khác nhau và chậm hơn nhiều so với trẻ phát triển bình thường. Hầu hết các trẻ thiểu năng trí tuệ đều cần hỗ trợ về giao tiếp, đi lại, mặc quần áo và ăn uống.

Trẻ bình thường 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi thì trẻ chậm phát triển luôn chậm trễ hơn. Các mốc phát triển ngôn ngữ và tương tác giao tiếp của trẻ cũng thường chậm hơn bình thường. Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nặng có thể thấy rõ các dấu hiệu khác biệt trong 2 năm đầu đời. Tuy nhiên chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ có thể không được phát hiện cho đến khi trẻ đi học. Trẻ không đáp ứng được về giao tiếp, chơi và học với các bạn và các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt.

Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ không phải là bệnh và chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn. Việc phát hiện và can thiệp sớm, liên tục sẽ giúp trẻ cải thiện các chức năng cần thiết và tự lập cũng như hòa nhập tốt hơn.

trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển thường chậm ngôn ngữ, thiếu các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thường gặp

Trẻ chậm phát triển trí tuệ được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Đối với những trường hợp nhẹ thì có thể đi học bình thường nhưng kết quả và thành tích học tập sẽ kém hơn các bạn khác. Còn đối với những trẻ ở mức độ trung bình đến nặng khó theo kịp các bạn, có khả năng ngôn ngữ nhưng khả năng tư duy và học tập chậm hơn nhiều hoặc gần như không có. Đối với những trẻ bị nặng thì gần như là không thể giao tiếp và luôn cần có người chăm sóc.

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là con chậm về hành động hơn so với các bạn cùng tuổi như chậm lẫy, không phản ứng lại gì khi bố mẹ gây chú ý,…Đến một giai đoạn lớn hơn thì trẻ chậm đi, đứng, chậm nói hoặc diễn đạt ngôn ngữ một cách khó khăn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển trí tuệ

Có nhiều dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ ở trẻ và khác nhau theo từng trường hợp. Một số dấu hiệu trẻ bị chậm phát triển trí tuệ phổ biến nhất có thể bao gồm:

  • Phát triển chậm toàn bộ về trí tuệ hơn so với trẻ cùng tuổi
  • Thời gian biết lẫy, ngồi dậy, bò hoặc đi chậm hơn bình thường
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập với người khác
  • Chỉ số thông minh IQ thấp hơn mức trung bình, thường dưới 70
  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Khả năng ghi nhớ kém
  • Khó tư duy về hành động và kết quả
  • Gặp khó khăn khi lên kế hoạch và giải quyết vấn đề
  • Thường gặp khó khăn trong học tập
  • Không tự mặc quần áo hoặc đi vệ sinh được.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển chậm toàn bộ về trí tuệ hơn so với trẻ cùng tuổi là dấu hiệu chậm phát triển

Những trẻ khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng, thiểu năng trí tuệ có thể kèm các biểu hiện như co giật, thị lực kém, câm, điếc và rối loạn tâm thần. Ngoài ra, có thể nhóm các dấu hiệu theo mức độ trẻ chậm phát triển trí não từ nhẹ đến nặng như dưới đây.

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ theo từng mức độ và độ tuổi

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ theo các mức độ

Chậm phát triển nhẹ

  • Chỉ số thông minh IQ 50-70
  • Chậm hơn bình thường ở mọi kỹ năng
  • Hòa nhập với các bạn nhưng biểu hiện chậm
  • Có được các kỹ năng hàng ngày: ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh
  • Không có biểu hiện sức khỏe bất thường
  • Có thể có được kỹ năng thực tế
  • Theo học được mầm non, tiểu học.

Chậm phát triển vừa phải

  • Chỉ số thông minh IQ 40-55
  • Có thể thực hiện việc đơn giản và tự chăm sóc bản thân
  • Có thể đi một mình đến những nơi quen thuộc
  • Chậm phát triển về trí tuệ đáng kế, đặc biệt về ngôn ngữ
  • Có thể có dấu hiệu thể chất bất thường
  • Trẻ có thể học về giao tiếp đơn giản
  • Có thể học các kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc

Mức độ nặng

  • Chỉ số IQ 25 – 40
  • Chậm phát triển đáng kể ở một số hoạt động; ví dụ 2 – 3 tuổi chưa đi được
  • Trẻ có thể học tự chăm sóc đơn giản
  • Luôn cần sự chăm sóc và theo dõi
  • Ít hoặc không có kỹ năng giao tiếp, có thể hiểu và giao tiếp bằng cử chỉ
  • Có thể dạy các thói quen hàng ngày và các hoạt động lặp đi lặp lại

Mức độ nghiêm trọng

  • Chỉ số IQ dưới 25
  • Sự chậm trễ nhiều trong tất cả các lĩnh vực
  • Trẻ không tự chăm sóc bản thân được
  • Có những bất thường về nhận thức
  • Luôn cần sự theo dõi thường xuyên
  • Luôn cần sự hỗ trợ, chăm sóc

Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ theo độ tuổi

Dấu hiệu trẻ sơ sinh chậm phát triển trí tuệ

Các dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh chậm phát triển trí tuệ không thể hiện rõ rệt ngay từ đầu, cha mẹ có thể theo dõi biểu hiện của bé:

Khó khăn trong vận động: Khi đạt 3 tháng tuổi, 1 em bé bình thường đã cứng cổ, có thể ngẩng đầu, xoay cổ bình thường. Tuy nhiên, một số em bé chậm phát triển khó có thể thực hiện kỹ năng này, bố mẹ nên chú ý.

Trẻ sơ sinh chậm phát triển thường gặp khó khăn trong vận động

Ngôn ngữ không rõ ràng: Trong những trường hợp bình thường, em bé có thể cười sau 3 tháng và khi bé vui, bé sẽ phát ra âm thanh “ah”, “uh”. Từ 3 tháng đến 15 tháng là giai đoạn quan trọng, não bé có thể nhanh chóng tiếp thu ngôn ngữ và từ vựng. Về cơ bản khi bé đạt khoảng 12 tháng, chức năng ngôn ngữ liên tục phát triển, bé đã có thể nói một số từ đơn hoặc gọi tên các vật phẩm. Khi bé đạt 2 tuổi, bé có thể nói sõi, thể hiện được mong muốn của mình qua ngôn ngữ.

Cử động tay không tốt: Bé có thể nhặt cầm những món đồ có kích thước bằng lòng bàn tay của mình trong khoảng 3 tháng. Khi bé lớn lên, tay bé có thể cầm, nắm các đồ vật nhỏ hơn. Về cơ bản, trẻ có thể nhặt vật nhỏ bằng hạt đậu bằng ngón tay cái và ngón trỏ trong khoảng 10 tháng. Nếu bàn tay bé cử động kém, không thể cầm, nắm vật theo hướng dẫn, bố mẹ nên chú ý.

Không nhạy cảm với kích thích xung quanh: Sự quan tâm của trẻ đến những vật xung quanh bị giảm sút, không chú ý nhiều đến những kích thích từ xung quanh. Trẻ sẽ có biểu hiện chậm cười và chậm biết nhai.

Dấu hiệu trẻ 2 đến 3 tuổi chậm phát triển trí tuệ

Đối với những trẻ lớn hơn thì cũng sẽ có những biểu hiện dễ nhận biết hơn. Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thường sẽ nằm và nhìn bàn tay cử động và biểu hiện này sẽ còn kéo dài đến lúc 2 – 3 tuổi. Đến một giai đoạn nhất định thì trẻ bình thường cũng sẽ ném các đồ vật nhưng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn còn những trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ làm các hành động này trong một khoảng thời gian dài.

Biểu hiện trẻ chậm phát triển trí tuệ thường là không bao giờ chú ý hay muốn nhặt các đồ vật mà mình đánh rơi. Có một số trẻ thì sẽ tỏ ra hiền lành và chậm giao tiếp. Không phải trẻ nào cũng có biểu hiện ngay từ khi mới sinh mà có một số trường hợp đến độ tuổi nào đó mới biểu hiện ra bên ngoài.

Dấu hiệu trẻ 4 tuổi chậm phát triển

Khi trẻ 4 tuổi này hầu hết các trẻ đã đi học mầm non. Đối với những trẻ chậm phát triển trí tuệ trung bình đến nặng đã có thể nhận biết các dấu hiệu dưới 3 tuổi. Trường hợp lên 4 tuổi trẻ mới có các dấu hiệu chậm phát triển thì ở mức độ nhẹ. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Trẻ có thể có ngôn ngữ nhưng chậm hơn so với các bạn
  • Trẻ thường chơi 1 mình và khó hòa nhập cùng bạn
  • Khả năng học và và tư duy, thực hành chậm hơn so với các bạn
  • Có thể trẻ vẫn chưa tự ăn uống hoặc đi vệ sinh (vẫn dùng bỉm)
  • Ít chia sẻ đồ chơi cùng bạn hoặc quan tâm đến những người xung quanh
  • Khó tư duy về mối liên quan hành động và kết quả

Trẻ 2 – 4 tuổi chậm phát triển sẽ tiến bộ tốt nếu được phát hiện sớm và hỗ trợ, can thiệp sớm cho trẻ.

Biện pháp khắc phục

Dưới đây là một số cách để giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể cải thiện và hòa nhập được với môi trường.

Tác động từ gia đình

Người đồng hành cùng con tốt nhất là cha mẹ. Đối với những trẻ chậm phát triển thì vai trò của cha mẹ cũng vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Phụ huynh cần phải tin tưởng dù con mình chậm phát triển nhưng vẫn có khả năng đạt được được một số dấu mốc quan trọng. Bạn nên đồng hành cùng con trong tất cả các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ chậm phát triển trí tuệ từ những hoạt động đơn giản nhất cho đến khi đã thực hiện được thì sẽ dạy tiếp các hành động phức tạp. Dù là bất cứ chuyện gì thì đều sẽ “có công mài sắt – có ngày nên kim”. Gia đình đóng một vài trò rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ.

Khám và dạy trẻ tại cơ sở y tế, giáo dục đặc biệt

Khi phát hiện thấy các biểu hiện của trẻ chậm phát triển ở con mình thì cần đưa ngay đến các bác sĩ chuyên môn thăm khám. Các bác sĩ, nhà chuyên môn sẽ định hướng điều trị và can thiệp sớm dạy trẻ chậm phát triển phù hợp tại các cơ sở y tế, giáo dục.

Can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển các cơ sở y tế, giáo dục (Trung tâm Nhân Hòa)

Tại các cơ sở này thì trẻ sẽ được các bác sĩ, chuyên gia phân tích đánh giá dấu hiệu chậm phát triển trí não của trẻ theo các mức độ. Lúc này họ sẽ có các phương pháp can thiệp phù hợp. Dù ở mức độ nào từ nhẹ đến nặng trẻ vẫn cần can thiệp để phát triển các kỹ năng phục vụ tương lai của trẻ.

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ rất quan trọng. Trẻ luôn cần sự quan tâm, hỗ trợ để phát triển tiến bộ và hỗ trợ tự lập sau này. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và môi trường sống sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập hơn.

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN