Hành vi của trẻ thật khó mà hiểu nổi. Có phải vậy chăng?

Tại sao con thích chạy và va mạnh cả người vào tường khi bực bội hoặc vui quá?

Khi đi siêu thị ngang quầy đồ chơi, bé thường nằm lăn ra khóc, la hét… để đòi mua bằng được món đồ bé muốn.

Mỗi khi đến trường, con hay than vãn bị đau. Khi thì đau đầu, khi lại đau chân và xin mẹ nghỉ.

“Va người vào tường, nằm lăn ra khóc, đau bụng, đau đầu…” là những hành vi. “Gãi đầu, che miệng khi hắt hơi, xoè tay xin đồ, khoanh tay chào hỏi…” cũng là hành vi. Thế nên, hành vi là tất cả những gì chúng ta thực hiện. Thông thường, khi nói tới hành vi thì chúng ta chỉ nghĩ đến những hành vi không phù hợp chứ quên mất còn cả những hành vi phù hợp khác. Sẽ không có hành vi nào là tốt hay xấu mà chỉ là hành vi đó có phù hợp hay không. Và tất nhiên, trẻ em hay người lớn đều có những hành vi được cho là phù hợp hoặc không.

Với những hành vi phù hợp thì chúng ta sẽ có xu hướng mong muốn nó xảy ra thường xuyên hơn. Và cách hiệu quả nhất đó chính là khen thưởng. Có thể là khen thưởng về mặt vật chất (bánh kẹo, đồ chơi, đi công viên, tiền thưởng…) hoặc khen thưởng về mặt xã hội (được công nhận, được tuyên dương…).

Còn những hành vi không phù hợp thì mong muốn thay đổi là điều hiển nhiên. Và vấn đề này sẽ được đề cập ở phần tiếp theo.

Không ít bậc cha mẹ sẽ cảm thấy phiền lòng hay lo lắng đối với những việc con làm, không biết con làm như vậy để làm gì? Tại sao chơi với mẹ thì con chỉ ngồi được 5 phút nhưng có thể ngồi 20 phút chơi với cô. Hay vô tình củng cố những hành vi không mong muốn của con. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem hành vi có những chức năng gì và cha mẹ nên đáp ứng như thế nào cho phù hợp.

Hành vi có những ý nghĩa, chức năng gì?

Theo phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA (Applied Behavioral Analysis) thì hành vi có bốn chức năng chính, viết tắt là SEAT:

  • S: Sensory – Tìm cảm giác: Liên quan đến 8 loại giác quan. Mời đọc chuỗi bài các vấn đề về cảm giác.
  • E: Escape – Trốn tránh nhiệm vụ: Nhiệm vụ này thường là những nhiệm vụ trẻ không thích hoặc trẻ gặp khó khăn khi thực hiện.
  • A: Attention – Gây chú ý: Trẻ muốn tìm kiếm sự chú ý từ những người xung quanh khi trẻ cảm thấy mình thiếu sự quan tâm hoặc chỉ đơn giản là vì muốn mọi người chú ý tới mình. Những hành vi gây chú ý đã bắt đầu có từ khi trẻ 6 tháng tuổi.
  • T: Tangible – Đạt được điều bé mong muốn: Có thể là muốn một vật hữu hình như đồ chơi, bánh kẹo… hoặc là sự ôm ấp, vỗ về, bế ẵm…

Với mỗi chức năng, ý nghĩa khác nhau thì chúng ta sẽ có những cách đáp ứng khác nhau. Có thể cùng một hành vi nhưng mang nhiều ý nghĩa cùng lúc hoặc cùng một hành vi nhưng lại mang các ý nghĩa khác nhau ở các khoảng thời điểm khác nhau.

Ví dụ: Cùng trên một trẻ và cùng là hành vi khóc nhưng có thể mang ý nghĩa là trẻ tìm cảm giác vì trẻ đang bị đau bụng. Lúc khác thì trẻ khóc vì trẻ muốn tránh nhiệm vụ cất đồ chơi hoặc lúc khác nữa thì khóc để mẹ chơi với trẻ.

Cũng có khi cùng trên một trẻ, cùng là hành vi nhìn ra cửa sổ và cùng một thời điểm nhưng mang nhiều ý nghĩa: trẻ nhìn ra cửa sổ để tìm cảm giác thị giác, đồng thời gây chú ý với cô để cô liên tục gọi trẻ quay lại và trì hoãn việc yêu cầu trẻ cất đồ chơi.

Vì thế, khi thấy trẻ có những hành vi không mong muốn, không phù hợp, cha mẹ cần xem xét ý nghĩa của nó là gì nhằm có cách đáp ứng hoặc hỗ trợ phù hợp, giúp trẻ học những hành vi mới thay thế.

Làm cách nào để nhận biết được ý nghĩa, chức năng của hành vi?

Thông thường, cha mẹ sẽ quan sát thấy ở trẻ có một hành vi ở một số tình huống nhất định. Ví dụ như mỗi khi bạn nấu ăn và để trẻ chơi một mình thì trẻ sẽ khóc. Hoặc đang chơi xe thì trẻ rất hào hứng và tập trung nhưng chơi ghép lego thì trẻ bắt đầu nhìn lung tung và nằm ra sàn. Mô hình hành vi ABC sẽ giúp cha mẹ phân tích được môi trường nào thì hành vi xảy ra và cách đáp ứng của cha mẹ đang giúp cho hành vi không phù hợp được thay thế hay được củng cố để xuất hiện nhiều hơn và quá mức hơn.

Để hiểu rõ hơn về chức năng của hành vi, chúng ta sẽ phân tích hai ví dụ trên theo mô hình ABC:

  • Ở ví dụ 1: Hành vi khóc của trẻ nhằm gây chú ý với mẹ và đạt được mong muốn của trẻ là mẹ sẽ ở chơi chung với mình.
  • Ở ví dụ 2: Hành vi nhìn ra cửa sổ, nằm ra sàn, không chú ý ghép lego của trẻ mang ba ý nghĩa. Vì trẻ này thường có hành vi nhìn ánh sáng tìm cảm giác mắt nên có thể trẻ tìm cảm giác thị giác, gây chú ý với cô để cô bình luận các sự việc ngoài cửa sổ và nhắc trẻ ngồi liên tục, trẻ tránh được nhiệm vụ ghép lego (có thể hoạt động lego trẻ không thích hoặc yêu cầu quá khó).

Từ hai ví dụ trên, cha mẹ có thể thấy việc cần làm rõ chức năng, ý nghĩa của hành vi vô cùng quan trọng. Điều này giúp cha mẹ hiểu những hành vi của con và có cách đáp ứng phù hợp với từng chức năng, tránh việc củng cố sai làm cho hành vi gia tăng.

Xét cả hai ví dụ trên, cách mà mẹ và cô đáp ứng đều làm cho hành vi không mong muốn của trẻ lặp lại. Đó là cách củng cố không phù hợp. Vậy thì phải thay đổi như thế nào chắc là điều mà cha mẹ đang mong đợi.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tiếp môi trường có tác động như thế nào đến hành vi của trẻ và những cách giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ học hành vi mới phù hợp để thay thế

Môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của con?

Sẽ có hai phương án giúp cha mẹ kiểm soát hành vi của trẻ tốt hơn, đó là tác động vào tiền tố A hoặc tác động vào hệ quả C. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thay đổi A như thế nào. Còn phần tác động vào hệ quả C, xin mời đọc thêm ở bài “Làm sao ngăn chặn các hành vi không phù hợp của con?”.

Giữa hai lựa chọn tốt và tốt hơn, có lẽ chúng ta sẽ chọn phương án hai là cách tốt hơn. Vậy thì việc tác động vào môi trường, thay đổi tiền tố A sẽ được khuyến khích hơn. Tuy nhiên, nếu hành vi đã lỡ xảy ra rồi và chúng ta mất một quyền lựa chọn thì tác động vào C vẫn là cách duy nhất.

Quay lại về môi trường tiền tố A, khi cha mẹ quan sát và ghi nhận được những tình huống nào mà hành vi không phù hợp thường xảy ra thì việc tác động vào A sẽ rất khả thi.

Xem xét ví dụ 1: Cách 1 là cha mẹ đang tác động vào C, củng cố không phù hợp và hành vi khóc của trẻ sẽ lặp lại. Cha mẹ cần thay đổi cách này bằng cách 2, cũng tác động vào C nhưng hành vi khóc của đứa trẻ sẽ giảm dần. Nếu củng cố phù hợp, hành vi phù hợp (ở đây là việc trẻ nín và tự chơi) sẽ được gia tăng và lặp lại thường xuyên hơn.

Cách 3 và 4 là hai cách được khuyến khích vì nó tác động vào A, trước khi trẻ kịp có hành vi khóc.

Vậy để tác động vào A, chúng ta cần:

  • Tạo ra môi trường thuận lợi: Con của bạn có thể phù hợp với từng môi trường có điều kiện khác nhau. Trong một số hoàn cảnh, cha mẹ hoàn toàn có thể tạo ra môi trường để trẻ có cơ hội thể hiện những hành vi phù hợp, để trẻ nhận được lời khen thưởng của cha mẹ và hành vi được tiếp diễn về sau. Ở ví dụ đầu bài, nếu trẻ thường đòi mua đồ chơi khi đi siêu thị thì cha mẹ có thể tránh đi qua quầy đồ chơi, hoặc giao kèo với trẻ trước khi đi (việc này có lẽ sẽ khả thi hơn với các trẻ kiềm chế tốt), cũng có thể giao cho trẻ một nhiệm vụ như là kiểm tra hàng cần mua, tạo sự bận rộn cho con…

Hoặc nếu con bạn có nhiều vấn đề khó khăn về cảm giác thì sao? Trẻ quá nhạy cảm với ánh sáng hoặc không thể tập trung khi học ở một nơi quá rộng, quá nhiều tiếng ồn và đồ gây nhiễu? Vậy thì bạn hãy thiết kế phòng học có ánh sáng vừa phải, yên tĩnh và không gian nhỏ, gọn gàng để trẻ có thể tập trung rồi từng bước “nới lỏng” ra, giúp trẻ dễ thích nghi hơn ở các môi trường khác. Không gian chơi ngoài việc đảm bảo an toàn còn cần phù hợp với nhu cầu về giác quan của trẻ.

  • Nắm rõ khả năng của con: Trẻ sẽ học được kỹ năng mới nếu nó nằm trong vùng học tập của trẻ. Kỹ năng mới không quá dễ, vì trẻ sẽ chán nhưng cũng không quá khó để trẻ cảm thấy không có khả năng thực hiện và từ bỏ. Hãy chọn những kỹ năng mới có tính thách thức một chút để trẻ tò mò và cùng tham gia. Chắc hẳn cha mẹ cũng sẽ hứng thú với một việc hơi khó một chút và cha mẹ tin mình có thể chinh phục được nó hơn là một việc quá dễ “chán quá không có hứng làm”.
  • Hiểu rõ những khó khăn, lo lắng của con: Việc lắng nghe và chia sẻ với con là cách giúp cha mẹ hiểu rõ con hơn. Một số trẻ có thể né tránh phải thực hiện một yêu cầu, nhiệm vụ nào đó vì trẻ từng mắc lỗi và bị phê bình. Hoặc trẻ gặp phải sự kiện gây sợ hãi cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng trẻ tham gia nhiệm vụ. Nỗi sợ có tính lây lan, cha mẹ nên tìm hiểu để giúp con vượt qua.
  • Quản lý đồ chơi: Việc kiểm soát và làm chủ được đồ chơi sẽ giúp cha mẹ thao tác nhanh hơn khi hỗ trợ trẻ trong can thiệp. Nếu khả năng chờ đợi của trẻ chỉ khoảng 7s mà cha mẹ mất 10s để thao tác thì rất khó để thu hút trẻ ở lại cùng tham gia. Việc thành thạo đồ chơi cũng giúp cha mẹ biết cách kết hợp các đồ chơi với nhau để phát triển kỹ năng chơi của trẻ, thêm phần thách thức vào trò chơi giúp trẻ hứng thú hơn.

Cha mẹ cần lưu ý gì trong quá trình giúp trẻ học những hành vi mới?

  • Cảm xúc: Một điểm mà cha mẹ cần lưu ý đó là cảm xúc của chính mình và của trẻ. Trong quá trình cùng con học những hành vi mới phù hợp chắc hẳn cha mẹ sẽ gặp không ít “những giọt nước mắt xen lẫn mồ hôi”. Cảm xúc và hành động của cả cha mẹ và trẻ cũng sẽ biến chuyển liên tục.
  • Với trẻ: Cha mẹ cần ghi nhận những cảm xúc của con và gọi tên những cảm xúc ấy giúp con. Có thể trẻ chưa đủ ngôn từ để diễn đạt bản thân mình đang cảm thấy như thế nào. Nhưng, chính việc gọi tên được cảm xúc lúc ấy cũng là một cách chữa lành và xoa dịu cơn giông tố rồi. Cách mà cha mẹ đáp ứng và xử trí với cảm xúc của trẻ sẽ góp một phần khá quan trọng để đứa trẻ xây dựng cuộc sống hạnh phúc sau này. Sự thấu cảm nên hiện diện ở đây và để biết thấu cảm là như thế nào thì mời đọc bài “Thấu cảm với trẻ”.
  • Với cha mẹ: Không có gì là thất bại hay đáng xấu hổ khi thừa nhận những cảm xúc đang hiện diện trong lòng mình. Quan trọng là bạn kiểm soát được cảm xúc ấy. Rõ ràng, khi phân tích một hành vi của trẻ thì chúng ta đã biết được lý do vì sao trẻ lại hành xử như vậy. Công việc tiếp theo là cùng nhau học hành vi mới. Khi trẻ cần thì cha mẹ sẽ hỗ trợ cùng thang thứ bậc hỗ trợ trong tay. Việc kiểm soát được cảm xúc sẽ giúp bạn lựa chọn và đưa ra giải pháp thông minh hơn cũng như là không gây ra những điều đáng tiếc, làm tổn thương đến thân thể cũng như tinh thần của trẻ. Một điểm nữa, khi bạn kiểm soát tốt cảm xúc thì bạn chính là hình mẫu tốt cho trẻ bắt chước.

Luật lệ rõ ràng và thông báo từ đầu: Để đưa ra được luật lệ rõ ràng thì trước tiên cha mẹ cần phải xác định được mình đang muốn con làm gì lúc này. Cha mẹ có rõ ràng với mong muốn của bản thân thì mới đưa ra luật lệ rõ ràng cho trẻ và trẻ mới có thể an tâm mà thực hiện. Việc rõ ràng mong muốn của bản thân giúp cha mẹ không bị những hành vi gây chú ý của con kéo bạn xa rời mục tiêu. Bạn không thể đòi hỏi đứa trẻ làm một việc mà ngay cả bản thân bạn cũng không biết có nên làm hay không

  • Trẻ cần thời gian: Để học tập và biến những hành vi mới thành kỹ năng thì trẻ cần thời gian. Sẽ không có liều thuốc nào có thể giúp bạn thay đổi hành vi của trẻ trong một vài ngày. Củng cố hành vi mới mỗi ngày và kiên nhẫn, chắc chắn bạn sẽ thu được quả ngọt.
  • Sự hỗ trợ và khen thưởng là cần thiết: Như có đề cập ở bài “Thang thứ bậc hỗ trợ”. Để học một kỹ năng mới và giúp kỹ năng thành thạo, trẻ sẽ cần sự hỗ trợ của cha mẹ cùng với khen thưởng tích cực. Nếu muốn thu hoạch quả ngọt, ngoài hạt giống tốt cần bỏ công sức vun trồng, tưới nước và bắt sâu.
  • Cẩn thận với những cái bẫy: Một điều không thể phủ nhận, trẻ con mặc dù ngây ngô nhưng cũng rất “tinh ranh”. Có thể con chưa nói ra được con cảm thấy như thế nào nhưng con sẽ cảm nhận được có gì đó không ổn. Con cảm nhận hình như cha mẹ có sự hoang mang, do dự. Hãy tỉnh táo để tránh những cái bẫy như nôn trớ khi khóc, rặn tè hoặc cha mẹ quá chú ý tới cảm xúc của trẻ. Như có đề cập ở trên, cha mẹ sẽ ghi nhận và giúp trẻ gọi tên cảm xúc nhưng cảm xúc đó là của trẻ, chính trẻ sẽ phải tự trải qua và điều chỉnh để phát triển. Ví như sau này trẻ đi học và bị cô giáo phê bình, con sẽ buồn nhưng sau đó con sẽ tự điều chỉnh để vui vẻ trở lại và tìm cách làm tốt hơn để được cô khen. Cô giáo sẽ không thể đi bên cạnh và dỗ dành con để con vui lên, đúng chứ. Trẻ cần tự trải nghiệm mọi thứ để lớn lên. Bên cạnh đó, đôi khi cha mẹ cũng cần đoán ý và “nói trúng tim đen” của con. Hãy khai thật đi, bạn có bao giờ thấy“nhột” và tự sửa đổi khi người khác nói trúng tim đen của bạn không?

Nếu như để tìm hiểu về cảm giác của trẻ bạn cần là một nhà thám hiểm, thăm dò từng bước thì để tìm hiểu về hành vi của con, bạn sẽ trở thành một nhà khảo cổ. Bạn sẽ cần cẩn thận xem xét coi hành vi xuất phát từ đâu, môi trường nào, diễn ra bao lâu và có giá trị như thế nào. Công việc này sẽ khá thú vị và bạn sẽ nhận ra mình thật kiên nhẫn đấy.

Nếu đóng cánh cửa này lại thì hãy mở ra một cánh cửa khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bài giảng chương trình Basics 3, Mr.Craig Goldsberry, 2019.
  • https://www.psychologytoday.com/
  • Người viết: Lê Thị Muội – Cử nhân Tâm lý – Trần Vũ Tuyết Anh – Cử nhân Tâm lý

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN