Can thiệp cho trẻ tăng động giảm chú ý – các cách giúp cha mẹ tạo động lực cho trẻ và giúp trẻ học tập hiệu quả hơn

Phần 2 Động lực bên ngoài

Tại sao chúng ta lại cần biết đến nhiều nguồn động lực như vậy để làm gì? Liệu có quá phức tạp hóa vấn đề không? Có thể là thế, nhưng với quan điểm của cá nhân người tìm hiểu như tôi thì chúng ta cần biết để xem xét được trên diện rộng hơn. Nghĩa là chúng ta không thể dùng một khuôn để áp dụng cho tất cả. Đôi khi chúng ta cần sự giúp ích từ nhiều thông tin hơn, để biết được điều gì là phù hợp cho trẻ này mà ít phù hợp hơn với trẻ khác, điều gì sẽ phát huy hiệu quả hơn ở thời điểm này, và điều gì sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn ở thời điểm sau đó,… Vậy nên biết nhiều hơn một chút cũng không thừa, điều quan trọng là thông tin mà ta đang tham khảo có thực sự nên cân nhắc hay không. Giống như khi ta đọc một cuốn sách, sau khi đọc xong chỉ đúc kết lại có một điều, nhưng vào một thời điểm nào đó, bạn sẽ có thể cần đến điều ấy. Vậy nên hãy trở thành độc giả của bài viết này nếu bạn sẵn sàng nhé!

Nếu như ở những phần trước, chúng ta biết đến động lực bên trong nhấn mạnh việc chúng ta làm vì bản thân việc đó khiến ta thích thú và muốn làm, thì động lực bên ngoài sẽ nói về động lực thôi thúc chúng ta thực hiện những việc dù không nằm trong sự mong muốn. Bên cạnh việc có niềm yêu thích riêng, trẻ cũng cần học cách hoàn thành những việc cần làm, vào thời điểm nhất định, theo yêu cầu của người khác. Trẻ cần học cách cân bằng hai điều đó, vì đó là yếu tố quan trọng trong việc đi học và cũng là nền tảng quan trọng cho việc đi làm sau này. Bởi vì việc học không phải lúc nào cũng lý thú, và việc đi làm không phải lúc nào cũng như ý muốn. 

Theo Tiến sĩ Eileen Kennedy – Moore và Tiến sĩ Tâm lý học Mark S. Lowenthal, động lực bên ngoài là khao khát làm một việc để đạt được một kết quả đáng mong muốn. 

Theo thông tin nghiên cứu công bố của Ryan & Connell năm1989 và Ryan & Deci năm 2000, họ phát hiện có 3 loại động lực bên ngoài chính, đó là: Động lực dựa trên tình huống, động lực dựa trên sự chấp thuận, và động lực dựa trên giá trị.

  1. Động lực dựa trên tình huống được quyết định bởi hoàn cảnh môi trường, ví dụ: Trẻ học hành chăm chỉ ở trường, đạt điểm tốt, để được tiền thưởng cho số điểm đạt được đó, Trẻ học hành chăm chỉ để không bị lưu ban,…
  2. Động lực dựa trên sự chấp thuận liên quan đến việc đáp ứng những tiêu chuẩn của người khác, ví dụ: Trẻ làm mọi việc vì sợ người khác thất vọng về mình, trẻ làm việc vì khao khát nhận được sự tán thưởng hoặc được ghi nhận một cách công khai, trẻ cố gắng chứng tỏ bản thân thông qua những thành tích,…
  3. Động lực dựa trên giá trị  bắt nguồn từ những lý tưởng có ý nghĩa được chính trẻ gán cho công việc/nhiệm vụ và trẻ lựa chọn thực hiện có chủ ý, ví dụ: Trẻ làm bài tập về nhà vì trẻ nhận thức rằng làm những bài tập này là đáng giá theo một cách nào đó, trẻ tham gia câu lạc bộ đội nhóm vì với trẻ có một nhóm bạn đoàn kết với nhau là một dạng sức mạnh,… 

Đây được xem là dạng thức mạnh nhất của động lực bên ngoài, xuất hiện đầu tiên từ cảm quan gắn bó với một người hoặc một nhóm người đáng tôn trọng, và dần dần, nó có thể trở thành một phần cá tính của trẻ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta phải quan tâm đến các nguồn động lực khác nhau để làm gì? Một số trong chúng ta khi nhắc đến động lực là nghĩ ngay đến phần thưởng, nhưng thực tế thì phần thưởng là một yếu tố nhỏ trong hàng tá những động lực thôi thúc chúng ta mà thôi. Và việc xuất phát từ nguồn động lực nào, sẽ ảnh hưởng đến những cảm xúc và kết quả khác nhau.

Một ví dụ từ nghiên cứu của Richard Ryan và James Connell ở trường Đại học Rochester cho thấy (động lực khi làm bài tập về nhà): Những trẻ với động lực dựa trên sự chấp thuận sẽ cố gắng nhiều nhưng cũng cảm thấy lo lắng và xử lý kém trước thất bại. Những trẻ có động lực dựa trên giá trị sẽ có nhiều sự thích thú và nỗ lực, cùng với những chiến lược ứng phó chủ động và tích cực đối với thất bại hơn,…

Chúng ta có thể thấy, động lực bên ngoài dựa trên giá trị có thể là nguồn động lực lý tưởng nhất. Vậy làm sao để có thể phát triển động lực bên ngoài dựa trên giá trị. Đó là lúc chúng ta xem xét đến các yếu tố tâm lý, nhu cầu tâm lý căn bản cần được đáp ứng: Bản lĩnh, tính tự chủ, sự gắn kết. Vậy đó là những chiến lược nào, hãy cùng tìm hiểu ở phần sau: Các chiến lược thúc đẩy động lực bên ngoài nhé!

Tạo động lực trẻ tăng động giảm chú ý

Các chiến lược giúp thúc đẩy động lực bên ngoài

Theo như những gì tìm hiểu ở phần III, chúng ta có 3 loại động lực bên ngoài chính, đó là: Động lực dựa trên tình huống, động lực dựa trên sự chấp thuận, và động lực dựa trên giá trị. Vậy làm sao để có thể phát triển động lực bên ngoài dựa trên giá trị. Đó là lúc chúng ta xem xét đến các yếu tố tâm lý, nhu cầu tâm lý căn bản cần được đáp ứng: Bản lĩnh, tính tự chủ, sự gắn kết. Vậy đó là những chiến lược nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Những chiến lược giúp cổ vũ bản lĩnh của trẻ

Quan điểm chính: Trẻ thích làm những gì mà trẻ cảm thấy mình có ưu thế, điều đó khiến trẻ hài lòng. Trẻ tránh né những hoạt động mà trẻ cảm thấy mình không thể thành công, bởi vì trẻ không muốn cảm thấy xấu hổ hoặc bất tài.

  • Xác định bản chất của vấn đề: Nếu trẻ không hoàn thành bài tập về nhà, trước khi đưa ra một loạt những lời chê trách hay thúc giục nào đó, hãy cùng trẻ tìm hiểu xem điều gì khiến trẻ không làm bài tập, vì trẻ bị mất căn bản, hay do trẻ không muốn làm, hay do trẻ chưa biết sắp xếp kế hoạch học tập phù hợp,… Khi đó, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề một cách rõ ràng và hiệu quả hơn. Thông qua việc bàn bạc với chúng ta, trẻ có thể học được cách xác định vấn đề của chính mình, và biết phải điều chỉnh ở đâu.
  • Hãy để trẻ cố gắng: Chúng ta cần kiềm chế mong muốn lao vào giải quyết thay giúp con, bởi vì chúng ta rất dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc làm quá nhiều thứ cho con. Chúng ta có thể cung cấp một vài gợi ý, và để trẻ tự thực hiện nó, và khen sự nỗ lực của con, rằng: Con có thể làm được. Con đang làm rất tốt. Con đang rất nỗ lực, và điều đó đã mang lại kết quả,…. Khi đó, trẻ có thể cảm thấy mình có thể làm được, có thể tự tin hơn, có bản lĩnh hơn khi đối mặt với khó khăn.
  • Giải thích các tiêu chí: Một số trẻ không làm bài tập hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó là do trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ. Trẻ chưa hiểu, tại sao phải làm việc đó, việc đó có ích lợi gì? Vậy nên, chúng ta có thể nói chuyện với trẻ về cách xác định các tiêu chí, ví dụ: Ở cấp 2, bài kiểm tra 1 tiết sẽ được nhân đôi, bài kiểm tra cuối kì sẽ nhân ba, cộng với bài kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút, sau đó chia trung bình, đó là sẽ điểm trung bình môn học đó của con. Do đó, con cũng cần làm bài tập về nhà, bài kiểm tra 15 phút và bài kiểm tra 1 tiết đầy đủ.

Với những nhiệm vụ khác, bạn cũng cần nêu rõ mục đích của nó là gì, ví dụ: Trò chơi này sẽ giúp ích cho việc rèn luyện khả năng ghi nhớ của con, như vậy, khi học ở trường, con có thể học thuộc bài tốt hơn,…

  • Kể lại những điểm tích cực, những việc trẻ đã làm được thay vì những câu chuyện tiêu cực: Một cái bẫy khác là chúng ta dễ nhìn vào một vết mực loang trên tờ giấy hơn là nhìn thấy những chỗ trống còn lại của tờ giấy đó. Những lời than phiền như: “Nó không biết làm đâu”, “Nó chẳng hiểu gì đâu” sẽ chẳng giúp ích gì cho con bạn cả, điều đó gây chán nản hơn là khích lệ, và dễ dàng gán nhãn cho trẻ là “Con không làm được đâu”. Thế thì trẻ lấy gì để trẻ tự tin?

Thay vì vậy, bạn có thể thay đổi góc nhìn và khuyến khích con bạn: “Mẹ nghĩ là con có thể tìm ra phương pháp học tập tốt nhất cho mình”, “Mẹ tin con có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề đó”, “Mẹ nhớ lúc con tập chạy xe đạp, con bị té rất nhiều lần, trầy cả đầu gối, nhưng sau đó con vẫn tiếp tục luyện tập, và con đã thành công”,… Đó mới là những điều đáng giá cần đề cập tới.

Những chiến lược giúp cổ vũ tính tự chủ của trẻ

Quan điểm chính: Trẻ có thể làm chủ hành động của chính mình, và trẻ mong muốn điều đó. Trẻ cũng cần biết “Nếu…thì…”, biết được những chuyện gì sẽ xảy ra, biết lựa chọn và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

  • Cẩn thận khi sử dụng phần thưởng: Những phần thưởng có thể hữu ích xét trên cơ sở tạm thời để giúp trẻ vượt qua một thời điểm chán chường, mông lung nhất định. Nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta cần khiến cho phần thưởng trở nên có giá trị, nhưng không phải giá trị vật chất, mà là giá trị ở chỗ trẻ phải thật nỗ lực để đạt được nó. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh đến giá trị vật chất, điều đó có thể làm lu mờ đi ý nghĩa thực sự mà ta muốn hướng tới. Vậy phần thưởng có giá trị khi nào? 

Khiến cho phần thưởng trở nên bất ngờ, lý thú khi trẻ thể hiện một sự cố gắng lớn, hoặc đạt được một cột mốc quan trọng nào đó về bản lĩnh hoặc năng lực: dám đứng trước đám đông để thuyết trình, vượt qua kì thi mà con rất lo lắng, cố gắng ghép xong bức hình dù mất khá nhiều thời gian và sửa lại nhiều lần,…

Sử dụng chủ yếu những lời nói ấm áp hoặc một hoạt động đặc biệt hơn là phần thưởng vật chất, vì điều đó sẽ gia tăng cảm giác gắn kết, gần gũi với người thân hơn, ví dụ: Mẹ rất hạnh phúc khi thấy con tự tin đứng lên phát biểu, mẹ rất tự hào về con, mẹ rất ngạc nhiên khi con có thể kiên trì lâu như vậy,…

Món quà tự thưởng, đây là món quà tốt nhất, vì nó thể duy trì lâu dài, và trẻ sẽ là người tự chủ lên phần thưởng cho mình. Và đây cũng là cách có thể giúp con đối mặt với những khó khăn sau này.

  • Cho phép sự lựa chọn: Bạn có thể cho phép con lựa chọn thời gian và cách thức thực hiện/hoàn thành công việc, ví dụ: con muốn thi đấu với chính mình hay thi đấu với mẹ, con muốn hoàn thành bài tập ở phòng khách hay ở ban công, dùng bút chì hay bút mực, học toán trước hay văn trước,… Không phải lúc nào cũng lựa chọn, nhưng việc cho con tự lựa chọn giúp con cảm nhận được cảm giác của việc tự định hướng. Đồng thời, cho trẻ tự trải nghiệm, và rút ra kinh nghiệm, đâu mới là điều tốt hơn? Bạn có thể ở bên cạnh để đưa ra những gợi ý, những giải thích phù hợp, hay cho con biết về những kinh nghiệm mà ba mẹ đã biết để con tham khảo. Không phải quyết định thay, cũng không phải là để con tự do đi vào vết xe đổ.
  • Đưa ra cơ sở hợp lý: Một số bạn sẽ hay luẩn quẩn trong câu hỏi “Tại sao phải làm bài tập về nhà?”, “Tại sao phải làm công việc này?”, “Tại sao phải đến đây học?”, “Tại sao phải chơi những trò chơi này?”. Nếu trẻ chưa thể được giải đáp thỏa đáng những câu hỏi này, trẻ có thể sẽ khó hợp tác hoặc không hoàn toàn chú tâm. Bạn có thể tận dụng khả năng nói chuyện của mình, để giải thích một cách ngắn gọn và hợp lý về những gì đang làm.

Những chiến lược giúp cổ vũ khả năng gắn kết của trẻ

Quan điểm chính: Nội dung chính là chất lượng của mối quan hệ. Trẻ có xu hướng gắn bó và thân thiết với những người mà chúng cảm thấy gần gũi nhất, được lắng nghe nhất.

  • Giảm thiểu cuộc đấu tranh quyền lực và xây dựng cảm giác gắn bó giữa cha mẹ và con cái: Cách nhanh nhất để xoa dịu những phàn nàn là lắng nghe và thấu hiểu. Việc tranh cãi ngay lúc cảm xúc dâng trào chỉ khiến cho cuộc xung đột leo thang, đồng thời còn tạo ra một khoảng cách vô hình. Lắng nghe không có nghĩa là đồng tình, chỉ là ghi nhận những gì đang diễn ra và cảm xúc đang có. Để trước khi chuyển hướng những suy nghĩ tiêu cực và chán chường của con, thì việc đầu tiên là bạn phải hiểu điều đó đã, khi bạn có thể trở thành một người đáng tin cậy với con, thì những gì bạn chia sẻ với con sẽ dễ được con tiếp thu hơn.
  • Đưa ra những mô hình vai trò mẫu: Giống như một chiếc gương phản chiếu, trẻ có thể vô thức hành động và cư xử giống với người mà trẻ thường xuyên tiếp xúc. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn, bạn thể đọc thêm bài viết về lý thuyết học tập của Bandura, nếu không, bạn có thể hiểu theo hướng gọi là “Văn hóa gia đình”. Nghĩa là cách mà người khác cư xử với trẻ như thế nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách trẻ cư xử với người khác. Và cách gia đình phản ứng với những vấn đề khác trong cuộc sống cũng vậy. Hiểu được điều này, bạn có thể sắp xếp những cuộc gặp gỡ. Mời những người lớn hoặc những người bạn của con mà đáng tin cậy, đến nhà dùng bữa, vui chơi, trò chuyện, qua đó, trẻ có thể học hỏi về một số mẫu tư duy, giải quyết vấn đề khác, những góc nhìn, những cách nhìn nhận khác. Và một điều cốt lõi nữa, đó là ba mẹ hãy để ý đến chính mình, cách mình cư xử, đối diện với mọi thứ, bản thân ba mẹ có thể chính là chìa khóa tốt nhất cho những vấn đề của con.
  • Tận hưởng thời gian bên con: Ba mẹ đôi khi bị cuốn vào những lo lắng về việc học của con, nên đôi khi những cuộc hội thoại hay sự hỏi thăm của ba mẹ cứ xoay quanh vấn đề “Con học bài chưa?”, “Con làm bài chưa?”, “Bài kiểm tra thế nào?”,… Nếu cứ gặp ba mẹ là sẽ phải đối diện với mãi một vấn đề học tập, bạn cảm thấy trẻ sẽ thế nào? Khó chịu và áp lực? Hầu như là vậy, đôi khi bạn cần kiềm chế những lo lắng này, và mở rộng chủ đề trò chuyện hơn, để tạo được sự thoải mái và gần gũi. 

Sự gắn kết có thể không phải là điều thúc đẩy động lực bên ngoài nhanh nhất, nhưng có thể là sự thúc đẩy lâu bền và vững chắc nhất. Vì đó là điều cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống không chỉ ở trẻ nhỏ, mà cả người lớn. Sự gắn kết có thể thay đổi nhiều điều, từ hình mẫu hành động đến tư duy, lý tưởng,… Vậy nên, dù có khó khăn chông gai, hãy cố gắng hướng tới điều đó, với sự sẵn sàng và dũng cảm, chắc hẳn ai cũng có thể thực hiện được.

CNTL Nguyễn Ngọc Huyền

Tài liệu tham khảo: Phương pháp khôn ngoan để nuôi dạy con thông minh – Eileen Kennedy – Moore, Mark S.Lowenthal

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN