Can thiệp cho trẻ tăng động giảm chú ý – các cách giúp cha mẹ tạo động lực cho trẻ và giúp trẻ học tập hiệu quả hơn P1

Phần 1 Động lực bên trong

Động lực làm việc là gì? có quan trọng không  và làm thế nào để thúc đẩy động lực

Có một bạn nhỏ đã từng tâm sự về kế hoạch cuộc đời trong tương lai của mình như sau: nhà con giàu lắm, con không cần học quá giỏi, học sử để làm gì, học toán để làm gì, sau này con sẽ kế thừa gia sản của gia đình. Số tiền đó dư giả cho con sống hết đời cũng được. Con có thể thuê người làm việc nhà, thuê người nấu ăn,…

Nói chung thì trong viễn cảnh của bạn ấy, thật ra cũng không phải viễn cảnh lắm, vì thực tế vốn dĩ cũng đang diễn ra gần như vậy rồi, bạn ấy không cần nỗ lực làm gì cả thì vẫn có thể sống tốt. Việc duy nhất mà bạn ấy thích, đó là chơi game. Đến đây thì ai đó có thể nói rằng, bạn nhỏ ấy nói hợp lý mà. Có thể, nếu bạn ấy không gặp vấn đề lớn trong việc học tập, hoạt động chậm chạp, cảm thấy chẳng phải cố gắng để làm gì. Dùng ba giây suy nghĩ thôi cũng có thể hình dung ra một vài vấn đề mà bạn ấy và gia đình sẽ gặp phải trong tương lai rồi. Và cái khó ở chỗ, bạn ấy không muốn cố gắng cải thiện khó khăn của bản thân, vậy thì làm sao người khác có thể giúp bạn ấy đây? Đó là lúc chúng ta cần quan tâm đến vấn đề Động lực làm việc.

Động lực là gì? Là yếu tố thúc đẩy một cá nhân kiên trì và cố gắng để đạt được những mục tiêu. Trong môi trường học đường, ta có thể hiểu một cách đơn giản là khả năng tự giác học tập của trẻ. Trẻ không cần nhiều sự nhắc nhở, mà tự giác sắp xếp việc học, chăm chỉ luyện tập hoặc tìm tòi. Nếu nói trẻ rất mê game, cũng có thể hiểu là trẻ đang có một động lực lớn lao với việc chơi game. Trẻ bày tỏ sự thích thú, mong chờ, tham gia một cách tự nguyện, duy trì liên tục hàng giờ đồng hồ bất chấp cả mệt mỏi, và cả sự thất bại trong game. Đương nhiên là chúng ta biết được đâu là hoạt động trẻ nên làm, và đâu là hoạt động cần hạn chế. Nhưng chúng ta phải làm gì để thúc đẩy động lực đi đúng hướng?

Thật may là hiện tại chúng ta có rất nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu vấn đề này. Và với sự nghiên cứu và đúc kết của Tiến sĩ Eileen Kennedy – Moore cùng Tiến sĩ Tâm lý học Mark S. Lowenthal, chúng ta sẽ biết đến hai nguồn động lực cơ bản và những chiến lược để thúc đẩy mỗi nguồn động lực cụ thể.

Động lực bên trong

Theo Tiến sĩ Eileen và Tiến sĩ Mark, động lực bên trong là động lực bắt nguồn từ nhận thức rõ ràng của chúng ta về một nhiệm vụ. Khi chúng ta có động lực bên trong để làm một việc nào đó, chúng ta muốn làm bởi chúng ta nhận thấy nhiệm vụ đó vui vẻ, thú vị hoặc khiến ta thỏa mãn. Khi trẻ có động lực bên trong để học tập, trẻ có xu hướng học nhiều hơn và thể hiện tốt hơn là khi được thôi thúc bởi động lực bên ngoài để đạt điều gì đó ngoài nhiệm vụ như phần thưởng, sự tán thành, hoặc điểm số cao. 

Khi có động lực bên trong dẫn dắt, trẻ có sự tò mò, háo hức về thế giới đó và hăng hái, nỗ lực để làm chủ những điều mới, những kĩ năng mới. Thử tưởng tượng thì thấy điều này thật đẹp đẽ, nhưng thực tế thì không hẳn được như vậy. Khi bước vào tiểu học và các cấp bậc cao hơn, gánh nặng bài vở và những kì thi dường như cản trở khao khát học tập từ bên trong của trẻ. Thay vào đó là những yếu tố từ bên ngoài đang thôi thúc trẻ như: yêu cầu từ giáo viên, vượt qua kì thi,… Như vậy, cách nhìn nhận về việc học của trẻ sẽ có thể trở thành một việc gì đó buộc phải thực hiện chứ không phải là một điều gì đó thích thú khiến trẻ tự nguyện tham gia.

Nói đến đây thì có lẽ chúng ta sẽ giải thích được vì sao nhiều trẻ thích chơi game như vậy. Đấy là vì những nhà sản xuất trò chơi điện tử và vi tính đang nắm bắt những yếu tố động lực bên trong, và áp dụng một cách tinh vi vào các chi tiết trong game. Có 4 nguồn chính mang lại động lực bên trong có thể kể đến như sau:

  1. Yếu tố thử thách: Những hoạt động không quá dễ cũng không quá khó sẽ thúc đẩy việc hành động để nâng cao khả năng của mình.
  2. Sự tò mò: Đó là những yếu tố bất ngờ, những câu hỏi cho phép sự lựa chọn, cho phép sự suy ngẫm, cho phép trải nghiệm và khám phá.
  3. Quyền kiểm soát: Đó là yếu tố cho phép bản thân có quyền kiểm soát những việc bản thân làm và kiểm soát những gì có thể xảy ra.
  4. Bối cảnh: Đó là những yếu tố hình ảnh, âm thanh, màu sắc, sự chuyển động lôi cuốn các giác quan, kích thích trí tưởng tượng, hoặc các yếu tố về sự hài hước.

Và dựa trên 4 nguồn giúp mang lại động lực từ bên trong như trên, chúng ta có một số chiến lược để thúc đẩy động lực bên trong, hãy cùng nhau tìm hiểu ở phần II: Các chiến lược thúc đẩy động lực bên trong nhé!

PHẦN II: CÁC CHIẾN LƯỢC ĐỂ THÚC ĐẨY ĐỘNG LỰC BÊN TRONG

Các chiến lược phát triển động lực bên trong cho trẻ

Như phần I đã đề cập đến động lực và động lực bên trong, ta có 4 nguồn chính mang lại động lực bên trong có thể kể đến như sau:

  1. Yếu tố thử thách: Những hoạt động không quá dễ cũng không quá khó sẽ thúc đẩy việc hành động để nâng cao khả năng của mình.
  2. Sự tò mò: Đó là những yếu tố bất ngờ, những câu hỏi cho phép sự lựa chọn, cho phép sự suy ngẫm, cho phép trải nghiệm và khám phá.
  3. Quyền kiểm soát: Đó là yếu tố cho phép bản thân có quyền kiểm soát những việc bản thân làm và kiểm soát những gì có thể xảy ra.
  4. Bối cảnh: Đó là những yếu tố hình ảnh, âm thanh, màu sắc, sự chuyển động lôi cuốn các giác quan, kích thích trí tưởng tượng, hoặc các yếu tố về sự hài hước.

Và dựa trên 4 nguồn giúp mang lại động lực từ bên trong như trên, chúng ta có một số chiến lược để thúc đẩy động lực bên trong như sau:

Khuyến khích sự tìm tòi khám phá, phát hiện ra những sở thích và cổ vũ những sở thích của con bạn

Trẻ em hay cả người lớn, không phải ai cũng vốn có những niềm yêu thích đặc biệt. Vậy nên, cách để phát hiện ra những niềm yêu thích đó là trải nghiệm. Bạn có thể đưa con đến viện bảo tàng, các buổi hòa nhạc, khu bảo tồn thiên nhiên, thư viện, các lễ hội văn hóa, lễ hội ẩm thực, buổi diễn thuyết,… Bạn có thể để cho con lựa chọn tham gia một hoặc một vài câu lạc bộ, lớp học có liên quan đến sở thích mà con phát hiện ra, ví dụ: câu lạc bộ võ thuật, bơi lội, lớp học dance sport, lớp học múa cổ trang, lớp học ngoại ngữ,…Bạn có thể cho con tham gia một vài hoạt động ngắn hạn để con có thể cảm nhận nhiều hơn, con bạn sau đó cũng có thể muốn tham gia nhiều hơn nữa. Khi bạn không cùng sở thích với con, bạn cũng có thể cổ vũ con bằng cách tặng con những cuốn sách, những album nhạc,… mà con yêu thích.

Những sở thích liên quan đến việc trải nghiệm, học tập và đòi hỏi sự rèn luyện, tính theo đuổi mục tiêu như vậy giúp trẻ tự hình thành những động lực và nỗ lực vì niềm yêu thích của mình. Ngoài ra, còn giúp trẻ nâng cao sự tự tin, cơ hội mở rộng vòng bạn bè và khả năng định hướng tương lai tốt hơn.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, bạn không thể lấy những lợi ích ra làm cái cớ mà bỏ qua những quy tắc trong gia đình, hay vấn đề liên quan đến ứng xử. Bạn vẫn cần giúp con thiết lập những cái khung để sắp xếp giờ giấc và sự phân bổ sức lực một cách hợp lý cho những hoạt động khác trong cuộc sống, ví dụ: Con cần hoàn thành bài tập về nhà xong trước khi tham gia buổi hòa nhạc, con được xem điện thoại tối đa 1 tiếng mỗi ngày, 8h30 sẽ là giờ tắt đèn đi ngủ, phải về nhà trước 8h tối,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý không rơi vào trạng thái muốn kiểm soát quá những sở thích của con bạn, bạn hãy để cho con bạn làm chủ sở thích và kiểm soát cường độ phù hợp. Bạn đừng hăm hở quá mức để con thể hiện những sở thích của mình, ví dụ như: cho con tham gia các hoạt động thi đấu lớn nhỏ với mục đích giúp con tỏa sáng, bắt con luyện tập với cường độ cao,… Đó là một cái bẫy, có thể khiến niềm yêu thích trở thành một điều gì đó giống như là gánh nặng với con.

Tạo cầu nối giữa những sở thích và bài tập ở trường

Sự kết nối giữa niềm yêu thích và bài tập ở trường có thể khiến trẻ cảm thấy thích thú hơn, dễ tiếp thu hơn, thậm chí là cảm thấy những bài học ở trường có ý nghĩa hơn. Trong chuyên môn, chúng ta có thể dùng từ Kích thích đôi để giải thích về điều này. Ví dụ: Con đam mê bóng đá, bạn có thể cùng con tập viết tên của các cầu thủ bóng đá để cải thiện khả năng viết chữ, con yêu thích động vật, bạn có thể lấy các con vật mà con thích để giúp con học toán, như là “một con mèo, cộng với một con mèo, được bao nhiêu con mèo?”,….

Để con bạn tự nghĩ ra việc gì đó để làm

Một nguyên tắc chung trong việc cư xử với trẻ là khi chúng có cảm giác mình không được lắng nghe, chúng thường làm ầm ĩ hơn.

Khi trẻ buồn chán hay trì hoãn, chúng ta thường nỗ lực thuyết phục hay thúc giục con bắt tay vào làm việc gì đó. Ví dụ như khi con bạn than vãn với bạn về việc không muốn làm bài tập, bạn có thể nói những câu như: “Bài tập đó dễ mà, làm xíu là xong”, “Thay vì con ngồi đó than vãn thì con có thể làm xong bài rồi đó”, “Hồi bằng tuổi con mẹ đã có thể làm hết đống bài tập đó trong vòng vài nốt nhạc”,… Những điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy mình không được lắng nghe và trẻ phản ứng càng lúc càng gay gắt hơn. Bởi vì, trẻ đang có một cuộc đấu tranh nội tâm giữa việc không muốn làm bài tập và việc buộc phải hoàn thành nó theo yêu cầu. Vậy nên, khi bạn dùng lời nói để thúc giục con làm, bạn đang trở thành một đối tượng hiện hữu thay cho sự đấu tranh nội tâm kia, và thế là cuộc tranh cãi xảy ra. 

Hoặc khi con bạn đang chán nản và không muốn làm gì, bạn sẽ có hàng tỷ những ý tưởng và rất muốn thúc giục con làm cái gì đó. Nhưng một khi bạn ấy đã không muốn thì bạn ấy sẽ có hàng tỷ cái lý do khác để bắt bẻ lại những gợi ý của bạn lúc đó.

Vậy việc bạn có thể làm lúc đó là gì? Hãy ghi nhận những cảm xúc hiện tại của con, như là: có vẻ như bây giờ con đang cảm thấy chán nản với mọi thứ, con đang cảm thấy việc làm bài tập này thật chán, con đang gặp khó khăn khi không biết phải làm gì? Và dùng những câu hỏi mang tính khơi gợi sự giải quyết của chính con, ví dụ như: Vậy con định giải quyết khó khăn này như thế nào? Mẹ có thể giúp gì cho con được? Vậy khi nào thì con có thể làm bài tập được?. Hơn hết, bạn không phải là người chịu trách nhiệm về sự buồn chán hay trì hoãn của con bạn, bạn sẽ là người bên cạnh ghi nhận những gì đang diễn ra và hỗ trợ con tự giải quyết vấn đề của mình. Nếu bạn có thể kiên nhẫn với những điều trên, điều kì diệu sẽ xảy ra: con bạn sẽ tự quyết định/nghĩ ra mình sẽ làm gì.

Để con dạy bạn

Lấy một ví dụ đơn giản cho điều này, thay vì nói “Con học thuộc bài về Chim bồ câu đi rồi mẹ kiểm tra”, thành việc “Con đang học về Chim bồ câu sao? Chim bồ câu có gì đặc biệt nhỉ? Chim bồ câu thường ở đâu? Chúng thích ăn gì?,… Bạn có thể đặt những câu hỏi một cách thực sự đang muốn tìm hiểu về nó, và bày tỏ niềm hứng thú với câu trả lời của con. Nếu con chưa biết trả lời, vậy thì cách giải quyết là “Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!”. Chúng ta không đòi hỏi sự chính xác ngay, sẽ vẫn ổn khi con bạn chưa biết, vì điều quan trọng ở đây là tạo ra một không khí hứng thú khi học, biến những bài học thành những điều thú vị. 

Có 2 lợi ích rất lớn khi bạn áp dụng điều này vào trong việc học của con. Thứ nhất, bạn trở thành một tấm gương về tinh thần ham học hỏi, biến việc học thành điều gì đó rất vui vẻ và đáng mong đợi. Thứ hai, bạn có thể giúp con củng cố lại kiến thức của mình thông qua những câu trả lời, những lời hướng dẫn, giải thích cho bạn. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể cải thiện kỹ năng trình bày, thuyết trình của mình. Điều lưu ý ở đây là bạn thể hiện sự hứng thú thật sự chứ đừng giả bộ quá nhé, trẻ sẽ phát hiện ra và không thích lắm đâu.

Trên đây là một số chiến lược để thúc đẩy động lực bên trong của con, giúp con tham gia vào hoạt động một cách chủ động, tự nguyện và có trách nhiệm. Ngoài ra, còn có những chiến lược liên quan đến động lực bên ngoài rất có ý nghĩa, hãy cùng nhau tìm hiểu ở Phần II nhé!

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN