Vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt và cách dạy

Một trong những đặc điểm thường gặp của trẻ tự kỷ là không giao tiếp bằng mắt, hay nhìn nghiêng, không nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giao tiếp và hòa nhập xã hội khi trẻ lớn lên. Dưới đây là các lý do vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt và các bài tập giao tiếp mắt hiệu quả hơn cho trẻ.

Vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt, hay nhìn nghiêng?

Trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt vì giao tiếp bằng mắt ảnh hưởng đến hệ thống giác quan của trẻ bị quá tải. Ngoài ra những khó khăn về tương tác và giao tiếp ảnh hưởng đến giao tiếp mắt của trẻ. Theo nghiên cứu, trẻ tự kỷ có phản ứng khác biệt khi giao tiếp bằng mắt so với trẻ bình thường. Tại Đại học Yale (Hoa Kỳ), các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị quét não để so sánh hoạt động não trong quá trình giao tiếp bằng mắt của 2 nhóm người này.

Kết quả cho thấy, giao tiếp bằng mắt kích thích hoạt động ở nhiều vùng não khác nhau ở những người mắc chứng tự kỷ hơn so với những người bình thường. Điều này lý giải tại sao trẻ tự kỷ thường tỏ ra lo lắng và né tránh ánh mắt của người khác khi nói chuyện.

Nghiên cứu khác sử dụng điện não đồ (EEG) cho thấy, trẻ phát triển bình thường có phản ứng mạnh mẽ khi nhìn trực diện, trong khi trẻ tự kỷ phản ứng mạnh hơn khi người đối diện nhìn ở các vị trí khác trên cơ thể. Các tác giả nghiên cứu cho biết, người mắc chứng tự kỷ thường trải qua khó khăn về mặt thể chất khi giao tiếp bằng mắt, gồm: chóng mặt, nhức đầu, tăng nhịp tim, buồn nôn, run rẩy, thậm chí là đau đớn. Những triệu chứng này làm tăng sự khó khăn trong quá trình giao tiếp và giải thích tại sao họ có xu hướng tránh ánh mắt của người khác.

vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt
Trẻ tự kỷ giao tiếp mắt gây kích thích hoạt động ở nhiều vùng não hơn so với trẻ bình thường, gây ra phản ứng lo lắng và né tránh.

Cách dạy trẻ giao tiếp mắt hiệu quả hơn

Giao tiếp bằng mắt là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp xã hội, giúp trẻ có tác phong tự tin khi đứng trước người đối diện hoặc những nơi đông người. Tuy nhiên, việc giúp trẻ tự kỷ giao tiếp mắt không phải là điều dễ dàng, cần có kỹ thuật dạy trẻ phù hợp kết hợp kiên trì của giáo viên can thiệp/phụ huynh trong quá trình chăm sóc. Cụ thể, dưới đây là một số cách dạy trẻ tự kỷ giao tiếp mắt hiệu quả hơn:

Thu hút trẻ bằng cách gọi tên

Một trong những bài tập đơn giản và dễ thực hiện để giúp con bị tự kỷ giao tiếp mắt tốt hơn là thu hút trẻ bằng cách gọi tên. Hãy ngồi ở vị trí ngang tầm mắt với đứa trẻ và gọi tên của trẻ. Khi đứa trẻ có thể dành đến 1-2 giây để nhìn thẳng vào mắt của bạn, hãy khen ngợi để trẻ có thể nhìn vào mắt bạn nhiều hơn.

Thu hút trẻ nhìn vào mắt nhiều hơn bằng cách gọi tên.

Ngoài ra, phụ huynh có thể sắp xếp một số đồ chơi hoặc đồ ăn mà ưa thích trong tầm mắt của trẻ. Khi chúng muốn lấy một thứ gì đó, bạn có thể đưa đồ vật hoặc món ăn ấy lên ngang tầm để trẻ nhìn vào mắt bạn một cách tự nhiên. Khi trẻ thực hiện được, phụ huynh nên đáp ứng mong muốn của bé. Dần dần, bài tập này sẽ giúp trẻ tự kỷ quen nhìn vào mắt người khác và thực hiện điều này thường xuyên hơn khi giao tiếp.

Chơi trò ống nhòm cùng trẻ

Một ý tưởng hay để trẻ tự kỷ cải thiện tương tác bằng ánh mắt là chơi trò chơi ống nhòm. Để thực hiện trò chơi này, hãy cũng trẻ thực hiện các bước như sau:

  • Bước 1 – Tạo ống nhòm: Sử dụng 2 bàn tay chụm tròn lại và chồng lên nhau để tạo ra hình ống nhòm. Bạn có thể cùng trẻ sáng tạo chiếc ống nhòm “handmade” bằng giấy hoặc ghép từ lõi giấy cuộn.
  • Bước 2 – Hướng dẫn sử dụng: Đưa tay lên 2 mắt để trẻ có thể quan sát qua lỗ của hai bàn tay.
  • Bước 3 – Gọi tên và kích thích sự chú ý: Sau khi tạo xong chiếc “ống nhòm”, cha mẹ có thể kích thích sự chú ý bằng cách nhìn vào trẻ và sử dụng câu bình luận để mô tả những gì đang diễn ra theo sự chú ý của bé như “Mắt, mắt của  ba/mẹ “.
  • Bước 4 – Di chuyển ống nhòm: Khi con đã làm tốt Bước 3, cha mẹ có thể hướng dẫn con quan sát những người/sự vật/sự việc khác qua ống nhòm theo cách riêng tùy theo sở thích. Ba/ mẹ nên dán nhãn rõ ràng và cụ thể để bé có thể phát triển về ngôn ngữ hiểu và lời nói.
bài tập giao tiếp mắt cho trẻ tự kỷ
Bài tập giao tiếp mắt thông qua hoạt động chơi ống nhòm.

Bài tập di chuyển mắt

Trẻ tự kỷ thường có thói quen nhìn một cách vô định và né tránh ánh mắt giao tiếp từ người khác hay đồ vật đang quan sát. Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh có thể thực hiện các bài tập giúp trẻ tự kỷ cải thiện khả năng di chuyển của mắt thông qua các bước như sau:

  • Bước 1 – Chọn một đồ vật mà trẻ hứng thú: Chọn một đồ vật như gấu bông, xe đồ chơi, đồ ăn hoặc bất cứ thứ gì mà trẻ quan tâm hoặc thích. Phụ huynh hoặc người dạy trẻ sẽ sử dụng đồ vật này để tạo sự chú ý và kích thích sự tập trung cho trẻ.
  • Bước 2 – Thực hiện bài tập di chuyển mắt: Di chuyển đồ vật này qua lại và lên xuống trước mặt trẻ để kích thích bé tập trung theo dõi.

Bên cạnh đó, việc thực hiện những hoạt động này không chỉ giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng giao tiếp mắt mà còn tạo ra những trải nghiệm tích cực và tương tác vui vẻ giữa trẻ và phụ huynh/người dạy.

Tập di chuyển mắt là một bài tập không chỉ giúp bé giao tiếp bằng thị giác tốt hơn mà còn cải thiện đáng kể sự tập trung của trẻ.

Lưu ý khi dạy trẻ tự kỷ giao tiếp mắt

Khắc phục khả năng giao tiếp bằng ánh mắt cho trẻ tự kỷ không chỉ dừng lại ở việc áp dụng đúng các kỹ thuật, bài tập dạy trẻ mà còn là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại của phụ huynh/người dạy. Để việc dạy trẻ tự kỷ giao tiếp mắt được hiệu quả, cha mẹ cần cần lưu ý những điều sau:

Lựa chọn không gian kích thích sự tập trung: Trẻ tự kỷ thường dễ bị phân tán bởi các yếu tố từ môi trường, dẫn đến việc khó tập trung khi phải chú ý một sự vật/sự việc trong thời gian dài. Do đó, để đạt hiệu quả cao nhất, phụ huynh/người dạy nên tạo môi trường ít yếu tố gây nhiễu (như thiết bị điện tử, tiếng ồn, đồ vật không cần thiết, cửa sổ,…) khi thực hiện các bài tập cho trẻ.

Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Hạn chế thời gian cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là TV và điện thoại. Thay vào đó, phụ huynh nên để trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh như đọc sách dạy trẻ chậm nói, tham gia các trò chơi kích thích tương tác với người khác để cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Dạy trẻ giao tiếp bằng ánh mắt ở mọi tình huống nếu có thể: Ngoài việc thực hiện các bài tập tại nhà, bậc phụ huynh cũng nên hướng dẫn và khuyến khích trẻ tương tác qua ánh mắt trong nhiều tình huống khác nhau vào mọi lúc khi có thể trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Điều này giúp trẻ được “thực hành” tập nhìn mắt trên thực tế, từ đó cải thiện sự bạo dạn hơn trong cuộc sống.

Tránh thúc giục quá mức hoặc áp đặt trẻ khi tập luyện: Như đề cập ở trên, trẻ tự kỷ có thể có những phản ứng tiêu cực như: chóng mặt, nhức đầu, tăng nhịp tim, buồn nôn, run rẩy,… Do đó, phụ huynh/người dạy cần cho trẻ tập luyện dần dần để bé tập làm quen sau đó mới tăng tần suất tập luyện. Tránh thúc giục quá mức hoặc áp đặt trẻ khi tập luyện bởi điều này có thể gây sự sợ hãi, khiến việc cải thiện bé kém hiệu quả hơn.

dạy trẻ tự kỷ giao tiếp mắt
Không gian cuốn hút và sự kiên trì tập luyện sẽ giúp trẻ tiến bộ giao tiếp mắt đáng kể.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Trung tâm Nhân Hoà cho thắc mắc “Vì sao trẻ tự kỷ không giao tiếp mắt?” và những cách dạy, bài tập giao tiếp mắt cho trẻ tự kỷ. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ có phương pháp cải thiện kỹ năng cho con. Chúc bạn thành công!

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN