Câu chuyện xã hội cho trẻ tự kỷ

Câu chuyện xã hội cho trẻ tự kỷ là công cụ để trẻ học tập kỹ năng xã hội và hỗ trợ trao đổi thông tin an toàn, có ý nghĩa giữa cha mẹ, nhà chuyên môn và những người có rối loạn phổ tự kỷ ở mọi lứa tuổi. Bài viết dưới đây chia sẻ lợi ích và tiêu chí để xây dựng.

1. Câu chuyện xã hội là gì?

Câu chuyện xã hội là một trong những chiến lược giao tiếp tăng cường và thay thế AAC. Là công cụ để trẻ học tập kỹ năng xã hội và hỗ trợ trao đổi thông tin an toàn, có ý nghĩa giữa cha mẹ, nhà chuyên môn và những người có rối loạn phổ tự kỷ ở mọi lứa tuổi.

Người can thiệp (nhà chuyên môn, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc) tuân theo một quy trình xác định bắt đầu bằng việc thu thập thông tin, tìm ra chủ đề phù hợp với trẻ (người được can thiệp) và phát triển thành 1 văn bản và  hình minh họa được cá nhân hóa.

Câu chuyện xã hội mô tả chính xác bối cảnh, kỹ năng, thành tích, ý tưởng theo 10 tiêu chí xác định. Các tiêu chí này hướng dẫn việc nghiên cứu, phát triển và thực hiện câu chuyện đảm bảo chất lượng hỗ trợ về tổng thể cho người sử dụng câu chuyện xã hội, cũng như chủ đề, tiếng nói, nội dung và trải nghiệm học tập mang tính mô tả, có ý nghĩa an toàn về thể chất, xã hội và tình cảm cho trẻ, thanh thiếu niên, hoặc người lớn mắc chứng Tự kỷ.

2. Lợi ích của việc sử dụng câu chuyện xã hội trong can thiệp và cuộc sống hàng ngày đối với người có chứng Tự kỷ.

Người tự kỷ gặp khó khăn về khả năng khái quát hóa, do đặc điểm của họ là có tính rập khuôn. Vì vậy, sẽ rất khó khăn để họ có thể chấp nhận một sự thay đổi mới (về môi trường, con người, sự vật, sự việc…), thời gian để họ có thể chấp nhận sự thay đổi nào đó là rất khó khăn và lâu dài.

Câu chuyện xã hội cho trẻ tự kỷ với nội dung được xây dựng phù hợp với cá nhân đang gặp phải vấn đề trong việc chấp nhận sự thay đổi, dựa trên chủ đề mong muốn, yêu cầu mong đợi ở người tự kỷ có thể chấp nhận được sự thay đổi đó một cách an toàn và phù hợp nhất với bối cảnh, hoàn cảnh. Điều này giúp người tự kỷ có thể chuẩn bị tâm thế để có thể bình tĩnh và chấp nhận trước sự thay đổi được báo trước.

Ví dụ

Ví dụ: Một trẻ tự kỷ chuẩn bị phải tham gia vào một bữa tiệc sinh nhật với đông người. Đặc điểm của trẻ này là không thích ở những nơi đông người và trẻ cũng chưa được tham gia một bữa tiệc tương tự trước đó bao giờ. Trẻ hoàn toàn không có kinh nghiệm về việc này. Nếu chúng ta không có cách để thông báo trước cho trẻ có thể chuẩn bị tâm thế, thì đến lúc tham gia bữa tiệc trẻ có thể trở nên sợ hãi, hoặc tệ hơn là bùng nổ hành vi chống đối không phù hợp và điều này sẽ tạo ra 1 tiền lệ xấu trong kinh nghiệm của trẻ, trẻ sẽ khó khăn và từ chối tham gia ở những bối cảnh tương tự. 

Lúc này, sử dụng câu chuyện xã hội là 1 trong những chiến lược mang lại hiệu quả cao. Trẻ sẽ được thông báo trước về buổi tiệc mà trẻ sắp phải tham gia, trong câu chuyện sẽ đề cập tới cả những điều mà trẻ không thích lắm và đưa ra giải pháp cho trẻ, câu chuyện được xây dựng cả bằng tranh và chữ mang tính trực quan cao, sẽ dễ giúp trẻ hiểu và tiên đoán được phần nào những chuyện sắp xảy ra, có thể xảy ra, giúp trẻ dễ dàng chấp nhận hơn khi sự việc xảy đến.

Việc sử dụng những câu chuyện xã hội với người tự kỷ, giúp họ có thể nâng cao sự tham gia, tiếp cận của bản thân đối với các nhóm và các hoạt động trong xã hội, giúp họ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.

câu chuyện xã hội
Những câu chuyện xã hội cho trẻ tự kỷ

3. 10 Tiêu chí để xây dựng câu chuyện xã hội cho trẻ tự kỷ

3.1. Mục tiêu:

Mục tiêu của một câu chuyện xã hội là chia sẻ thông tin chính xác bằng cách sử dụng nội dung, định dạng và giọng nói để mô tả, làm rõ ý nghĩa về mặt thể chất, về mặt xã hội và an toàn về mặt cảm xúc cho trẻ.

3.2. Khám phá hai bước:

Luôn ghi nhớ mục tiêu, người viết cần thu thập các thông tin để:

  • Nâng cao hiểu biết về trẻ trong mối quan hệ với một tình huống, kỹ năng và khái niệm cụ thể.
  • Xác định các chủ đề cụ thể và nhập các thông tin để chia sẻ trong câu chuyện.

3.3. Ba phần và một tiêu đề:

Một câu chuyện xã hội có một tiêu đề và phần giới thiệu xác định rõ ràng chủ đề, một nội dung bổ sung chi tiết và kết luận. Điều này hỗ trợ việc củng cố và tóm tắt thông tin.

3.4. Cá nhân hóa:

Định dạng câu chuyện xã hội nội dung cần phù hợp với khả năng cá nhân, khả năng chú ý, khả năng tham gia, tài năng và sở thích của trẻ.

3.5. Một câu chuyện xã hội được xác định bởi 5 yếu tố:

  • Dùng cách viết như thể trẻ là người viết ( ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ 3) để tạo cảm giác an toàn và tin tưởng vào năng lực của trẻ.
  • Ngôn ngữ mang tính tích cực và kiên nhẫn.
  • Nói đến chuyện đã xảy ra (kinh nghiệm), chuyện đang xảy ra, hoặc chuyện sắp xảy ra.
  • Câu chữ phải diễn đạt, thể hiện chính xác về mặt nghĩa đen của chủ đề muốn đề cập đến
  • Thể hiện ý nghĩa chính xác của nội dung chủ đề đang đề cập đến.
  • Mỗi câu chuyện được viết cho MỘT mục tiêu cụ thể như để trẻ đi nhổ răng, di cắt tóc, ăn rau…

3.6. Sáu hướng dẫn phát triển câu chuyện xã hội: Trả lời các câu hỏi “Wh”.

  • Mô tả ngữ cảnh (Ở đâu)
  • Nói đến các thông tin liên quan đến thời gian (Khi nào).
  • Nói đến những người có liên quan (Ai).
  • Nói đến các dấu hiệu, đặc điểm quan trọng (Cái gì) và các hoạt động cơ bản.
  • Nói đến các hành vi có thể xảy ra, và cách quản lý hành vi (như thế nào).
  • Nói đến lý do đằng sau các hành vi đó (Tại sao)

3.7. Bảy là về câu:

Một câu chuyện xã hội bao gồm các câu mô tả, cũng có thể có một hoặc nhiều câu huấn luyện. Các câu phải tuân thủ tất cả các tiêu chí của Câu chuyện xã hội hiện hành.

3.8. Công thức:

  • Công thức này để đảm bảo rằng một câu chuyện xã hội sẽ mang tính mô tả nhiều hơn là tính chỉ đạo, yêu cầu.

3.9. Cá nhân hóa Câu chuyện .

Mọi câu chuyện xã hội đều được xem xét và sửa đổi cho đến khi đáp ứng tất cả các tiêu chí hiện hành.

3.10. Mười hướng dẫn thực hiện để đảm bảo rằng triết lý và tiêu chí hướng dẫn phát triển câu chuyện phù hợp với cách nó được giới thiệu và đặc điểm của trẻ:

  • Lập kế hoạch để bao quát.
  • Lập kế hoạch để hỗ trợ câu chuyện.
  • Phát triển câu chuyện theo trình tự.
  • Lập kế hoạch giới thiệu tích cực.
  • Thực hiện giám sát.
  • Tổ chức câu chuyện.
  • Trộn và kết hợp các câu chuyện lại với nhau để xây dựng các khái niệm.
  • Nhắc lại câu chuyện và các phần tiếp theo.
  • Làm lại hướng dẫn thành tiếng vỗ tay.
  • Luôn cập nhật thông tin.

4. Tài liệu tham khảo:

  • carolgraysocialstories.com
  • 10 Criteria for Writing a Social Story (Gray, Carol. 2015. The new social story book: Revised and expanded 15th anniversary edition. Arlington, Texas: Future Horizons.)

Người tổng hợp và viết bài:

Đào Thị Thanh Hương CV Công tác xã hội – Âm ngữ trị liệu Nhi – Trung tâm HTPT GDHN Nhân Hòa

Mời tham khảo bài viết:

Trung tâm Nhân Hòa tuyển dụng (tại đây);

Can thiệp sớm cho trẻ tại cơ sở Trung tâm Nhân Hòa

 

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN