Dấu hiệu trẻ tăng động giảm chú ý là gì là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Sau đây Trung tâm Nhân Hòa giải thích rõ hơn về trẻ tăng động giảm chú ý, dấu hiệu và các gợi ý can thiệp.
Tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm tỉ lệ khoảng 3-5% trẻ em (theo Bộ giáo dục Hoa Kỳ). ADHD bao gồm 3 dạng khác nhau là kém chú ý, tăng động/ bốc đồng và dạng kết hợp (APA, 2000). Các triệu chứng đặc trưng của ADHD thường xuất hiện từ sớm (trước 7 tuổi) nhưng gần như chúng chỉ thực sự nhận được sự quan tâm khi trẻ bước vào môi trường học đường và bộc lộ những khó khăn đặc biệt.
Ngoài ra, trẻ tăng động giảm chú ý có khả năng đi kèm với các rối loạn khác như khó khăn học tập, rối loạn ngôn ngữ, … Đặc biệt, trẻ tăng động giảm chú ý có thể mắc các rối loạn khác khi độ tuổi lớn hơn (vd: Rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thách thức chống đối, …) như một hệ quả kèm theo nếu không nhận được sự hỗ trợ/ can thiệp đúng mức.
Việc nhận diện sớm những dấu hiệu nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc tăng động giảm chú ý ADHD là vô cùng quan trọng. Khi nhận biết những dấu hiệu nguy cơ và có đánh giá đúng mực về tầm quan trọng của chúng, phụ huynh sẽ chủ động tìm kiếm thông tin, những dịch vụ hỗ trợ. Từ đó giúp tăng khả năng trẻ được đánh giá – chẩn đoán – can thiệp sớm góp phần hỗ trợ hiệu quả hơn với những khó khăn trẻ đang gặp phải.
Quan sát hành vi sớm trẻ tăng động giảm chú ý
Theo tiêu chí về tăng động giảm chú ý ADHD trong DSM-IV, trẻ tăng động kém chú ý có thể được chẩn đoán ở một trẻ sau khi hành vi đã xuất hiện tối thiểu là 6 tháng và trẻ thể hiện ít nhất sáu hoặc nhiều hành vi cụ thể cho việc không chú ý hoặc hiếu động thái quá / bốc đồng trước 7 tuổi. Tuy nhiên, có rất ít biện pháp để đánh giá hoặc chẩn đoán rối loạn này ở trẻ nhỏ hơn.
Mặc dù vậy, phụ huynh hay người chăm sóc vẫn có thể ghi nhận những đặc điểm đáng lưu ý của trẻ thông qua quan sát. Đối với trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi), có thể quan sát 3 lĩnh vực chính trong bối cảnh chơi của trẻ như sau:
(1) Cách trẻ lập kế hoạch và cách trẻ tiếp cận tương tác;
(2) Mức độ hoạt động trong thực hiện các hành động;
(3) Sự chú ý và tập trung mà trẻ em tham gia vào các tương tác.
Và khi đó, cần lưu ý nếu trẻ có các dấu hiệu (được xem như dấu hiệu cảnh báo sớm ở trẻ dưới 3 tuổi dưới đây (Rebecca R. Fewell and Barbara Deutscher (2002)):
• Hành động trước khi suy nghĩ.
• Thay đổi các hoạt động thường xuyên.
• Có khoảng thời gian chú ý ngắn.
• Không tập trung và làm theo chỉ dẫn.
• Dễ mất tập trung.
• Gặp khó khăn trong việc duy trì công việc.
Dấu hiệu trẻ tăng động giảm chú ý
Khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn, đặc biệt là khi trẻ bước vào môi trường học đường, nơi mà yêu cầu trẻ phải tuân theo một số luật lệ nhất định và hoàn thành một số lượng tương đối những nhiệm vụ/ bài tập. Khi đó, cần lưu ý nếu trẻ có khó khăn dai dẳng và có nhiều biểu hiện trong số các dấu hiệu được liệt kê dưới đây. (Theo NIMH (2004, 2006))
Sự chú ý | Mức độ hoạt động | Sự bốc đồng |
Không hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ. Bỏ qua một hoạt động chưa hoàn thành và chuyển sang hoạt động tiếp theo. | Luôn di chuyển (như thể được điều khiển bằng động cơ và không thể ngừng lại được). | Gặp khó khăn khi chờ đợi để đến lượt: khi xếp hàng; cắt ngang khi người khác đang nói |
Dễ chán, dễ thất vọng và dễ dàng bỏ cuộc. | Không thể tiếp tục ngồi. Khó ngồi yên (chuyển động tay / chân và / hoặc liên tục vặn vẹo). | Trả lời câu hỏi quá nhanh – thậm chí khi chưa nghe hết câu hỏi. |
Thường xuyên mơ mộng. Dễ dàng bị phân tâm. Không chú ý. | Liên tục chạy và leo trèo. | |
Gây ra lỗi bất cẩn. Thường xuyên bị mất đồ dùng. | ||
Khó khăn trong việc làm theo các hướng dẫn |
Quan sát dấu hiệu trẻ tăng động giảm chú ý
Trẻ tăng động tăng động giảm chú ý thường rất hiếu động, đôi khi bốc đồng và không tập trung. Vậy khi đó, làm sao để đánh giá tình trạng của trẻ chỉ là sự hiếu động thông thường hay trẻ đang có nguy cơ mắc ADHD? Dưới đây sẽ là một số gợi ý để phụ huynh có thể lưu ý đánh giá trong quá trình quan sát:
- Lưu ý khi hành vi: Đã được quan sát trong ít nhất 6 tháng; là một vấn đề trong một số tình huống/ bối cảnh và không thể được giải thích bởi các trường hợp khác hoặc khuyết tật; xuất hiện ngoài tầm kiểm soát của trẻ; không phù hợp với độ tuổi của trẻ; xuất hiện trong các hoạt động cá nhân và nhóm; cản trở việc học và ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sự phát triển xã hội.
- Chờ và quan sát thêm khi hành vi: Là gần đây và không nhất quán (xuất hiện tại một địa điểm và thời gian duy nhất, chủ yếu xảy ra trong thời gian hoạt động nhóm do phải ngồi lâu,…); thay đổi khi có sự hiện diện của những người lớn khác nhau trong cuộc sống của trẻ; có thể là kết quả của những sự kiện gần đây trong cuộc sống; xuất hiện có mục đích hoặc thu hút sự chú ý; cho biết trẻ đang đạt được các kỹ năng; thể hiện tình bạn và sự tương tác phù hợp.
- Sau khi quan sát và nếu nhận thấy có các yếu tố nguy cơ, phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám chuyên môn để được đánh giá/ chẩn đoán, nhận sự tư vấn và đề nghị hỗ trợ chuyên sâu kịp thời.
Gợi ý về cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Trẻ tăng động giảm chú ý ADHD thường được trị liệu bằng thuốc và can thiệp cá nhân 1-1. Bên cạnh đó, cũng có một số chiến lược có thể áp dụng để hỗ trợ trẻ trong môi trường gia đình và trường học:
- Xem trẻ như là một đứa trẻ tốt với những nhu cầu đặc biệt.
- Tận dụng các điểm mạnh của trẻ và nhấn mạnh điểm tích cực.
- Thường xuyên đưa ra phản hồi tích cực và khen ngợi ngay lập tức khi trẻ có hành vi thích hợp.
- Dành thời gian đặc biệt cho trẻ mỗi ngày.
- Lập kế hoạch cho các hoạt động.
- Giảm thiểu các yếu tố phiền nhiễu (Vd: Sắp xếp đồ vật gọn gàng, môi trường yên tĩnh, …).
- Thiết lập các quy tắc rõ ràng và áp dụng chúng một cách nhất quán.
- Giữ giao tiếp bằng mắt trước khi đưa ra lời hướng dẫn/ yêu cầu.
- Đưa ra các chỉ dẫn ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
- Kiểm tra sự hiểu biết của trẻ về các chỉ dẫn và hậu quả khi không tuân theo chúng.
- Giúp trẻ nhận biết chính mình, những điểm mạnh trẻ có và những thành tích trẻ đã đạt được.
- Kiên nhẫn và thấu hiểu trẻ. Sử dụng “thời gian tách biệt” nếu có hiệu quả (xem thêm bài Cách xử trí với cơn giận giữ (thịnh nộ) của trẻ).
- Tránh bị lôi kéo vào các cuộc tranh luận.
Hãy liên hệ ngay với Trung tâm Nhân Hòa để được khám lượng giá và can thiệp tốt nhất cho trẻ!
Tài liệu tham khảo
- Rebecca R. Fewell and Barbara Deutscher (2002). Attention Deficit Hyperactivity Disorder in Very Young Children: Early Signs and Interventions. Inf Young Children 2002; 14(3): 24–32
- Stephen E. Brock · Shane R. JimersonRobin L. Hansen. Identifying, Assessing, and Treating ADHD at School
CNTL: Nguyễn Hải Vân Oanh