7 dấu hiệu trẻ chậm nói theo giai đoạn từ 18 tháng đến 4 tuổi

Trẻ chậm nói là một trong những vấn đề phát triển ngôn ngữ phổ biến, gây không ít tác động ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, học tập và phát triển của trẻ khi lớn lên. Vậy làm sao để xác định được 1 đứa trẻ là chậm nói? Dưới đây là 7 dấu hiệu trẻ chậm nói theo giai đoạn từ 18 tháng đến 4 tuổi mà cha mẹ cần lưu ý.

dấu hiệu trẻ chậm nói

Dấu hiệu trẻ chậm nói ở trẻ từ 1 đến 4 tuổi

Trẻ 12 tháng chậm nói

Khi được 12 tháng tuổi, dấu hiệu trẻ chậm nói thường là không thể tương tác với người khác thông qua giao tiếp, ngay cả khi cần sự giúp đỡ hoặc muốn thể hiện điều gì đó. Thậm chí, có những trường hợp trẻ 12 tháng không thể nói bất cứ từ nào, kể cả những từ đơn giản nhất là “ba”, “ma ma”.

Trong giai đoạn này, trẻ chậm nói còn thường ít quan tâm đến những điều xung quanh. Chẳng hạn như, trẻ không thể thực hiện các động tác đơn giản như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không hoặc chỉ tay vào đồ vật mà bé muốn. Ngoài ra, trẻ không phản ứng khi được gọi tên, và không hiểu cũng như không có hành động phản ứng với các từ đơn giản như “xin chào” và “bai bai”.

Trẻ 16 tháng tuổi chậm nói

Trẻ 16 tháng tuổi chậm nói thường không thể hiểu và phản ứng với hiệu lệnh cơ bản như: ngồi xuống”, “để đó” hoặc “dậy nào”. Có nhiều trường hợp trẻ không biết chỉ vào đồ vật/hình ảnh khi được người lớn hỏi, ví dụ: Khi bố mẹ hỏi “Cái nào là cái bát?”, trẻ không thể chỉ đến cái bát đang cạnh bé.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ 16 tháng tuổi thậm chí không thể nói được từ nào, gây ra không ít bất tiện trong việc tương tác và giao tiếp với bố mẹ và người lớn xung quanh. Ví dụ, trẻ đang muốn được mua một món đồ chơi trong siêu thị, thay vì nói để bố mẹ biết, trẻ sẽ chỉ dụng cử chỉ và ngước nhìn để ra hiệu.

Trẻ 16 tháng tuổi chậm nói thường chưa thể phát âm được từ nào và không hiểu những hiệu lệnh cơ bản.

Trẻ 18 tháng tuổi chậm nói

Trẻ 18 tháng tuổi được coi là chậm nói khi chưa thể nói được ít nhất 6 từ ngữ bất kỳ hoặc thậm chí không thể giao tiếp với người xung quanh bằng lời nói. Đặc điểm nhận dạng dễ nhất là khi trẻ cần sự giúp đỡ hoặc trong tình huống cấp bách (VD: buồn đi vệ sinh) nhưng bé không cố gắng nói để người khác biết được, thay vào đó là để mặc sự việc xảy ra hoặc la hét để gây chú ý.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên nghi ngờ nếu trẻ 18 tháng tuổi không hiểu được các câu khẩu lệnh hoặc câu hỏi đơn giản như: “Bé ra đây”, “Bé để đồ đó”, “Bé ăn gì?”, “Tất bé đâu?”

Trẻ dưới 24 tháng chậm nói

Thông thường trẻ 24 tháng tuổi có thể nói được 50 từ, nói được cụm 2 từ, câu ngắn.

Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 24 tháng tuổi thường thể hiện qua sự phát triển chậm chạp của vốn từ ngữ. Cụ thể, một trong những dấu hiệu đáng chú ý là trẻ không đạt được một từ mới mỗi tuần. Điều này có thể là biểu hiện của việc trẻ đang gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ.

Dấu hiệu trẻ 2 tuổi chậm nói

Nếu con 2 tuổi của bạn không nói được tổng cộng 50 từ, không thể ghép các từ thành những câu đơn giản và chỉ biết nhại lại những gì bạn hoặc người khác nói, thì rất có thể trẻ đang bị chậm nói.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của trẻ 2 tuổi chậm nói như không chỉ đúng vào đồ vật đơn giản mà người lớn gọi tên, không biết công dụng của một số đồ thường sử dụng trong nhà như (bàn chải đánh răng, bát, thìa,…) cũng là những cảnh báo cần bố mẹ thực sự lưu ý trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con mình.

dấu hiệu trẻ 2 tuổi chậm nói
Nếu trẻ đã 2 tuổi nhưng chưa biết nói những câu đơn giản và nhận biết đồ vật thường ngày

Dấu hiệu trẻ 3 tuổi chậm nói

Một trong những dấu hiệu trẻ chậm nói 3 tuổi đáng chú ý nhất là bé thường nói “trống không” – tức là không biết sử dụng đại từ nhân xưng như: “con”, “mẹ”, “ba”,…khi giao tiếp. Trong một số trường hợp, trẻ không thể ghép những từ thành câu ngắn để bày tỏ mong muốn và cảm xúc. Lời nói của trẻ thường lắp bắp, không rõ ràng và khó hiểu, khiến người xung quanh không thể nắm bắt được những điều con nói.

Trẻ 3 tuổi chậm nói còn có thể không hiểu những câu hiệu lệnh hoặc câu hỏi đơn giản từ người khác, chẳng hạn như: “Cất đồ chơi vào tủ”, “Đi chơi thôi”,… Ngoài ra, những trẻ này thường không quan tâm, khó hoà nhập và không tương tác với những bạn bè cùng trang lứa. Một số bé có các biểu hiện khác như nhại lời, thường xuyên phát âm từ vô nghĩa, nói nhảm.

Dấu hiệu trẻ 4 tuổi chậm nói

Trẻ 4 tuổi chậm nói có thể dễ dàng thấy nhất ở việc bé gặp khó khăn khi sử dụng đại từ nhân xưng như: “con – mẹ”, “con – ba”, “cháu – bà”,… và thường xuyên nói “trống không” khi giao tiếp. Ngoài ra, một số trẻ chậm nói trong độ tuổi này còn chưa sử dụng thành thục hầu hết các phụ âm, chưa hiểu rõ và áp dụng đúng khái niệm “giống nhau” và “khác nhau” khi giao tiếp.

Một số trẻ 3 – 4 tuổi có thể nói được các từ đơn tốt. Nhưng khi ghép thành câu trẻ sai cấu trúc ngữ pháp, đảo lộn từ khiến người nghe khó hiểu. Đây là một trong những dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Dấu hiệu trẻ 4 tuổi chậm nói
Trẻ 4 tuổi chậm nói có thể thấy rõ ở cách giao tiếp “trống không” do khó khăn khi sử dụng đại từ nhân xưng.

Trẻ chậm nói có phải dấu hiệu tự kỷ không?

Chậm nói là một trong những dấu hiệu của trẻ tự kỷ nhưng không phải toàn bộ trẻ chậm nói không phải đều là tự kỷ. Điều này là bởi, chậm nói có thể do nguyên nhân khác như: đơn thuần không có môi trường phát triển ngôn ngữ, bị bệnh lý ở tai mũi họng hoặc chấn thương não,… Tuy nhiên, nếu trẻ mắc một trong các dấu hiệu sau, rất có thể bé đang mắc bệnh tự kỷ:

  • Trẻ đã bước qua 1 tuổi nhưng chưa thể bập bẹ và không biết sử dụng hành động chỉ trỏ để gây chú ý.
  • Khi đạt 16 tháng tuổi, trẻ vẫn chưa thể phát âm bất kỳ từ nào.
  • Né tránh nhìn mắt khi giao tiếp, không phản ứng khi được gọi tên và không muốn ai đụng vào người.
  • Chỉ nói được các câu gồm duy nhất 1 từ khi được 2 tuổi.
  • Trong giai đoạn 14-16 tháng tuổi, trẻ đã phát triển một số kỹ năng ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ lại dần thoái lui.
  • Khi tỏ ra không hài lòng hoặc tức giận, trẻ có thể hét lên, đập tay xuống sàn nhà, bứt tóc, hoặc đập đầu vào tường.
  • Trẻ không thể thể hiện sự quan tâm đối với việc kết bạn và không có sự hứng thú đặc biệt đối với đồ chơi hoặc trò chơi cần sự tương tác.
  • Thường chú tâm vào cánh quạt hoặc bánh xe đang quay.
  • Trẻ không thể sử dụng động tác giơ tay để yêu cầu việc bế, thường lặp lại liên tục một số động tác như lắc lư người hoặc búng tay.
  • Trẻ có cảm nhận cực kỳ nhạy bén với một số mùi vị và âm thanh.
Dấu hiệu trẻ chậm nói tự kỷ
Trẻ chậm nói chưa chắc là dấu hiệu tự kỷ, tuy nhiên cần khám để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Cách khắc phục trẻ chậm nói

Nhìn chung, trẻ chậm nói sẽ thường xuất phát từ 3 nguyên nhân chính, bao gồm: chậm nói đơn thuần, nguyên nhân bệnh lý thực thể và mắc bệnh ở hệ thần kinh (tự kỷ, thiểu năng trí tuệ,…). Mỗi nguyên nhân chậm nói sẽ có các cách xử trí khác nhau, cụ thể như sau:

Nguyên nhân đơn thuần: Nếu trẻ chậm nói đơn thuần do chậm phát triển ngôn ngữ, bố mẹ có thể thực hiện một số phương pháp kích thích ngôn ngữ cho con tại nhà. Chẳng hạn, tạo môi trường giao tiếp tích cực với con, sử dụng đồ chơi học nói, đưa con đi mẫu giáo,…. là những gợi ý rất tốt để bố mẹ có thể dạy con học tại nhà. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sự chuyển biến chỉ diễn ra từ từ. Bố mẹ không nên tạo áp lực hay quát mắng con, vì điều này có thể gây ra sự tự ti và sợ hãi khiến con không dám nói nữa.

Nguyên nhân bệnh lý thực thể: Trong trường hợp trẻ chậm nói do nguyên nhân bệnh lý thực thể, chẳng hạn như: dính thắng lưỡi, điếc, có dị tật tai mui họng,… việc điều trị những bệnh lý này trước là cực kỳ quan trọng. Khi bệnh lý thực thể được giải quyết, trẻ mới có cơ hội phát triển ngôn ngữ bình thường như các bạn đồng trang lứa.

Nguyên nhân do mắc bệnh hệ thần kinh (tự kỷ, thiểu năng trí tuệ,…): Đối với trẻ chậm nói do các vấn đề như chậm phát triển, tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ, việc đưa con đến các trung tâm dạy trẻ chậm nói, can thiệp sớm như Trung tâm Nhân Hoà tại Tp Hồ Chí Minh là điều rất quan trọng. Ở đây, các chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ giàu kinh nghiệm sẽ đánh giá và áp dụng phương pháp can thiệp phù hợp nhất cho từng bé. Từ đó, con sẽ có cơ hội học hỏi và phát triển ngôn ngữ, giúp tăng khả năng hoà nhập xã hội và cuộc sống khi lớn lên sau này.

Một trong những phương pháp hữu hiệu để giúp trẻ chậm phát triển, tự kỷ có thể phát triển nhanh nhất đó là can thiệp sớm.

Lời kết

Trẻ chậm nói là một vấn đề mà bố mẹ không nên bỏ qua, vì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời và sự phát triển toàn diện của trẻ khi lớn lên sau này. Cha mẹ cần quan sát và nhận biết các dấu hiệu trẻ chậm nói theo từng độ tuổi để có phương án xử lý và điều trị kịp thời.

Hy vọng rằng, với 7 dấu hiệu trẻ chậm nói theo giai đoạn từ 18 tháng đến 4 tuổi trên đây, cha mẹ đã có thể tự nhận biết được các biểu hiện điển hình của trẻ chậm nói, xác định được bé nhà mình có chậm nói hay không và giúp “thiên thần” nhà mình phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới. Nếu trẻ cần can thiệp chậm nói, cha mẹ hãy liên hệ với các cơ sở trung tâm Nhân Hòa để giúp bé phát triển ngôn ngữ, lời nói tốt.

TƯ VẤN VÀ ĐẶT HẸN